LẠI BÀN VỀ PHƯƠNG PHÁP HỌC ĐẠI HỌC CHO SINH VIÊN CƠ KHÍ THỨC TỈNH “TUỔI TRẺ”
LỜI BÀN: “Nhiều sinh viên mơ ước có việc làm tốt nhưng đó chỉ là mơ ước vì một số người có những cái cớ để KHÔNG làm cho mơ ước của họ thành hiện thực. Khi một sinh viên phàn nàn: Em thích có việc làm tốt nhưng quá khó. Tôi đã trả lời: Chẳng cái gì dễ dàng trong thế giới này. Nếu em muốn cái gì đó, em phải đưa nỗ lực của em vào để đạt tới nó và không để bất kì chướng ngại nào ngăn cản em khỏi việc đạt tới mơ ước của em.” – Trích Bài viết của Giáo sư John Vu. “Có những người chết ở tuổi 25 và chỉ đến 75 tuổi mới được chôn.” -Danh ngôn của Benjamin Franklin. “Không biết bao nhiêu lần tôi nghe những người trẻ quanh mình than buồn, chán, bảo không biết gì để làm. Và rồi không biết làm gì nên ta giết thời giờ với những thú vui nhỏ nhặt, rong chơi cho qua ngày đoạn tháng, ngủ vùi lười biếng hoặc chìm đắm vào yêu đương. Nhưng khi đã đi qua gần hết thời đôi mươi, ngấp nghé ở ngưỡng ba mươi, nhìn lại tôi mới thấy tiếc nuối. Thấy bây giờ cuộc sống có quá nhiều cơ hội, nhiều điều phải làm, nhiều thứ để học, mà mình lại không có đủ thời gian cho ngần ấy thứ. Nghĩ nếu mà mình biết những điều này khi còn đi học, khi mình còn trẻ tuổi, chắc hẳn cuộc sống của mình sẽ khác, chắc mình sẽ bớt đi nhiều vật vã gian nan. Ai có trải qua rồi mới hiểu, tuổi trẻ ngắn ngủi biết bao nhiêu. Thời gian một đi là không trở lại. Điều đáng quý nhất mà tuổi trẻ có được là thời gian, nhưng rất nhiều người trẻ không biết làm gì có ích với thời gian của họ. Trên thực tế, có rất nhiều điều để làm, khi người ta còn trẻ.” - Trích Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu. Hình 1: Cách mạng công nghiệp - Ảnh sưu tầm Hãy giành vài giây để quay đầu lại và nhìn lại bản thân xem mình đang có gì. Công nghiệp không ngừng thực hiện các cuộc cách mạng (thế giới đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp), vậy, tại sao chúng ta không F5 (refresh) lại bản thân, phát triển năng lực để không bị tuột hậu so với thời đại. Đừng nghĩ rằng học tập là một sớm một chiều, vì kiến thức là vô tận nên việc học tập là suốt đời, nên hiểu rằng học là công việc cả đời (“Học, học nữa, học mãi” – V.I.Lenin). Tuổi trẻ mỗi người chỉ có 1 lần – “thời gian” trôi qua rồi đồng nghĩa “cơ hội” cũng đã trôi mất theo thời gian. Đến lúc hối hận, muốn quay lại thời gian thì liệu rằng: tuổi trẻ, sức khỏe, các vướng bận gia đình, lo toan đời sống vật chất, … có còn kịp hay không? Không giới thiệu chuyên ngành/chương trình đào tạo, không đi vào lý do tại sao chọn chuyên ngành, cũng không bàn về cơ hội việc làm, thu nhập và khả năng thăng tiến, … vì một khi các bạn đã chọn chuyên ngành Cơ khí thì đã tìm hiểu kỹ càng các nội dung này rồi mới tự tin bước vào cổng trường đại học với vai trò là sinh viên Cơ khí đúng không nào. Đi thẳng vào vấn đề mà chắc chắn nhiều người trong chúng ta đang thắc mắc đó là “Phương pháp học đại học cho sinh viên Cơ khí”, liệu rằng nó có giống phương pháp học tập ở phổ thông? PHƯƠNG PHÁP: Có các phương pháp dành riêng cho Cơ khí như thế này: Học qua hành, Học đa phương tiện, Học chủ động, Đọc sách thành thói quen – bởi lẽ ta vẫn thường nghe “Sách nguồn tri thức vô tận”, Biến bài học thành bài hát, Làm hay không bằng tay quen… Đồng hồ sinh học tham khảo:
Sáng:
Thức dậy sớm tập thể dục 15 phút (có câu nói rằng: Người thành công luôn thức dậy sớm – Bạn đã biết Barack Obama thời còn làm Tổng thống Mỹ thức dậy lúc mấy giờ không).
Ăn sáng (lại có câu nói rằng: Bữa ăn sáng rất quan trọng vì sau một đêm dài lượng thức ăn đã bị tiêu hao hết).
Đọc sách bất cứ thời gian nào trong ngày (lúc rảnh hay đang làm việc không cần sự tập trung – chờ đợi ai đó, …)
Trưa: nên có một giấc ngủ trưa khoảng 10 – 15 phút để cơ thể nghỉ ngơi.
Tối:
Trước khi đi ngủ phải đọc sách.
Tuyệt đối không sử dụng điện thoại (không tốt cho giấc ngủ, không tốt cho mắt).
Ngủ đủ giấc.
Hình 2: Cách học của Sinh viên - Trích Cẩm nang sinh viên năm nhất UTC2 Chuỗi công việc (CV) cần thực hiện của một sinh viên Cơ khí như sau:
CV 1: Xác định chính xác mục tiêu ngành nghề. Ra trường sẽ đi làm gì?
CV 2: Tự hỏi bản thân: Mình đang có gì? Mình đang cần gì?
CV 3: Lập ngay Bảng thời gian biểu hằng ngày một cách khoa học, nên có sự tư vấn của gia đình ở CV này.
CV 4: Đến lớp học đầy đủ (nghỉ một buổi, buổi sau sẽ khó nắm được bài dẫn đến dễ chán học và … sẽ dễ bỏ học tiếp); lắng nghe, ghi chép bài; luôn hoạt động sôi nổi đóng góp ý kiến xây dựng bài học; thực hiện nghiêm túc theo các chỉ dẫn của giáo viên. Khi về nhà xem lại bài và làm bài tập đồng thời cố gắng xem trước bài học của buổi ngày mai (có thể không hiểu gì nhưng ngày mai thầy giảng tới sẽ hiểu bài ngay và nhớ rất lâu). Thông thường số tiết tự học phải gấp đôi số tiết nghe thầy giảng trên lớp. Để học nhanh và có hiệu quả nên học theo một nhóm bạn để trao đổi và giúp nhau khi gặp bài khó.
CV 5: Lập tức ra khỏi nhà, ra khỏi giường, rời khỏi việc “luyện phim bộ”, mạnh mẽ lên, tự tin lên, vươn vai đứng thẳng người, giao tiếp hằng ngày luôn chào hỏi, cảm ơn mọi người, luôn luôn mỉm cười trong cuộc sống.
CV 6: Tạo tính kỷ luật ăn sâu vào tính cách. Đúng giờ, đúng lịch, có trách nhiệm, nói được làm được. Thực hiện các công việc theo mô hình 5S (Sàng lọc – Loại bỏ những thứ không cần thiết, Sắp xếp – Để mọi thứ ngăn nắp theo trật tự, Sạch sẽ Vệ sinh, Săn sóc – Duy trì, Sẵn sàng – Tạo ý thức).
CV 7: Khi gặp bất kỳ một cái máy hay thiết bị nào cũng nên tìm hiểu nó, đặt câu hỏi “nó dùng để làm gì, cấu tạo thế nào, nó hoạt động ra làm sao và họ chế tạo nó như thế nào” từ những câu hỏi trên, để giải đáp được thì phải chủ động tìm hiểu qua tài liệu, sách, internet …chủ động liên hệ trực tiếp, gửi email hoặc sử dụng các phương tiện khác để nhờ giải đáp các vướng mắc của mình, có thể là cố vấn học tập, giảng viên Bộ môn, Nhà trường, người đi trước, những người có kinh nghiệm chuyên môn, …
CV 8: Tham quan, tìm hiểu hết các xưởng thực hành trong nhà trường, hình thành thói quen tìm hiểu, tạo thái độ yêu nghề. Làm việc gì với sự đam mê sẽ tạo động lực lâu dài.
CV 9: Tham quan các nhà xưởng ở các công ty chuyên ngành, tham quan các công trình, các dự án đã, đang và sắp thi công.
CV 10: Song song với các bước trên là luyện ngay 4 kỹ năng Tiếng Anh (Nghe, Nói, Đọc, Viết) mọi lúc mọi nơi, bằng cách kết hợp cả tự học thường xuyên ở nhà và cả đến Trung tâm. Để nói tiếng Anh tốt thì vốn từ rất quan trọng; chính vì thế nên có kế hoạch mỗi ngày học thuộc 10 từ bằng cách viết ra mẩu giấy nhét vào túi và lấy học ở bất kỳ lúc nào có thể được.
CV 11: Song song với kỹ năng Ngoại ngữ là Tin học, sinh viên Kỹ thuật mà không biết phần mềm đồ họa là “thua”, đặc biệt sinh viên Cơ khí, phải biết Autocad, ít nhất một phần mềm thiết kế mô phỏng và đồ họa 3D.
CV 12: Song song nữa đó là Kỹ năng mềm khác. Nào là kỹ năng giao tiếp, truyền đạt thông tin, kỹ năng báo cáo, viết báo cáo, thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý, kỹ năng sắp xếp thời gian, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng đàm phán, thương lượng, …
CV 13: Học mà không hành thì sẽ quên ngay thôi. “Sự lặp lại” là cách học vô cùng “lợi hại”. Tự tạo ra các thí nghiệm, tự phá hỏng máy móc ở nhà rồi sửa chữa, tự tạo tình huống rồi mài mò khắc phục. Đến các cơ sở chuyên môn xin phụ giúp, hỗ trợ trong một thời gian nhất định để đưa những kiến thức lý thuyết trên lớp vào thực tế sản xuất và đời sống để kiến thức ăn sâu vào tiềm thức mà không cần phải học đi học lại theo kiểu học lại. Một khi có tay nghề, đã va vấp các dụng cụ, máy móc chuyên ngành thì khi nghe giảng trên lớp sẽ hiểu kỹ càng hơn, lối cuốn, thích thú hơn. Kỹ sư Cơ khí ra trường không có kinh nghiệm sẽ không được đánh giá cao, do đó mức thù lao ban đầu so với mặt bằng chung các ngành nghề khác sẽ không bì được.
CV 14: Thử đọc mà xem các: Yêu cầu công việc và Mô tả các công việc mà các Nhà tuyển dụng cần trên các báo, trang website tuyển dụng, website công ty hay các Thông báo tuyển dụng được dán ở các Bảng thông báo Nhà trường.
CV 15: Xác lập các mục tiêu ngắn hạn (mục tiêu ngày mai, mục tiêu tuần này, mục tiêu tháng này, mục tiêu học kỳ này, mục tiêu năm học này, ...), mục tiêu dài hạn (mục tiêu sau khi tốt nghiệp, mục tiêu 1 năm sau khi ra trường, mục tiêu 5 năm sau khi ra trường, ...).
CV 16: Tham gia các buổi Hội chợ việc làm để thực hiện các buổi phỏng vấn chuyên môn để biết nhu cầu thực tế của xã hội về Kỹ sư Cơ khí đa dạng về tiêu chí và công việc.
CV 17: Đăng ký các cuộc thi chế tạo, thiết kế mô hình mà Bộ môn, Nhà trường phát động để gắn kết, học hỏi từ bạn bè, thầy cô. Tham gia các Đề tài Nghiên cứu khoa học sinh viên, các giải thưởng của các đơn vị tổ chức (Euréka, Hội thi tay nghề, Bàn tay vàng, Hùng biện, …)
CV 18: Tham gia các Diễn đàn Cơ khí (đưa các thắc mắc, trao đổi chuyên môn, …)
CV 19: Thường xuyên gặp gỡ bạn bè, trao đổi thông tin, chia sẻ kiến thức.
CV 20: Hằng ngày, xem các tin tức chuyên môn, chương trình tivi chuyên môn, tìm gặp trao đổi trò chuyện với đàn anh chuyên môn. Lập chuỗi mắt xích các sự kiện để tạo liên kết, Máy móc biết nói – biến máy móc thành bạn, người bạn tinh thần. Phân bố hợp lý thời gian biểu hằng ngày hợp lý.
CV 21: Gia nhập các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm (Câu lạc bộ Tiếng Anh, Câu lạc bộ Văn nghệ, Hội Sinh viên, …), tham gia các chiến dịch tình nguyện (Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện, Tư vấn tuyển sinh, Tiếp đón Tân sinh viên, …), các buổi sinh hoạt ngoại khóa để làm sinh động đời sống tinh thần và góp phần thấy được ý nghĩa của bản thân.
CV 22: Hãy luôn luôn nhớ rằng bạn đang là một “đại gia”. Cái gì ư? “Nguồn tri thức mở”, hiện tại các bạn đang sở hữu trong tay một nguồn tri thức vô tận, nguồn truy cập dữ liệu kiến thức không giới hạn, xuyên quốc gia, xuyên lục địa, xuyên đại dương… Thời trước, khó khăn là thế mà vẫn có khối người nổi tiếng, vậy thì không có lý do gì mà thời đại ngày nay ngăn bạn thành công.
Và còn nhiều CV cần phải làm khác nữa, hãy rèn luyện mọi CV thành “thói quen” sẽ cảm thấy CV trở nên dễ dàng và dễ thực hiện. Hãy luôn đảm bảo sức khỏe để duy trì thói quen. Như trên là công thức chung cho tất cả, tùy mỗi người mà có Phương pháp học tập cho riêng mình, hãy xây dựng một công thức riêng cho bản thân ngay bay giờ để trở nên tiến bộ hơn bây giờ bạn nhé. TẠM KẾT: Vào Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công nhưng nó là con đường tất yếu dành cho những ai biết nắm bắt cơ hội. Tất cả các cách xây dựng Phương pháp học tập, tất cả cũng chỉ là lời khuyên suông trên lý thuyết, còn việc áp dụng hay không là do chính bản thân các bạn. Hãy luôn kiên trì và đừng bỏ cuộc trước bất kỳ cám dỗ, “Muốn hái quả ngọt, hãy trồng cây”. Tạo thói quen, xây dựng một Phương pháp học tập khoa học và tính kỷ luật ngay từ khi còn ngồi ở ghế nhà trường sẽ không bao giờ là quá muộn. TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Cẩm nang sinh viên năm thứ nhất, UTC2, 2018 2. Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Rosie Nguyễn, 2016, Nhà xuất bản Hội nhà văn 3. Khi học sinh viện cớ, GS. John Vu - Nguyên Phong, 2018, Đại học Carnegie Mellon