Vấn đề giao thông thông minh đã được đi vào triển khai xây dựng từ nhiều năm trước đây, tuy vậy những công trình áp dụng giao thông thông minh ITS còn khá hạn chế và mang tính chất thí điểm. Lộ trình áp dụng ITS được xây dựng qua ba giai đoạn: giai đoạn đến năm 2015, từ 2015 đến 2020 và từ 2020 đến 2030. Hiện nay chúng ta đã đi được hơn nửa thời gian của chặng đường thứ hai tuy chưa thực sự đồng bộ nhưng chúng ta cũng đã có những mô hình hiệu quả nhất định. Sau đây, BKAII sẽ cùng các bạn tìm hiểu một số dự án áp dụng hệ thống ITS nhé!
Đầu tư cho phát triển hạ tầng chính là ưu tiên hàng đầu của Bộ giao thông vận tải bởi lẽ hạ tầng đường bộ nước ta hiện nay còn yếu kém, thiếu tính đồng bộ, chưa thể đáp ứng hết nhu cầu. Việc áp dụng giao thông thông minh trước tiên được triển khai tại các thành phố lớn: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng,… Việc ứng dụng ITS vào hệ thống đường cao tốc là những dự án mà ta có thể nhìn rõ nhất. Những ứng dụng của hệ thống giám sát giao thông, phục vụ công tác quản lí cũng được đưa vào một cách hiệu quả.
Việc nghiên cứu ITS đã được đầu tư và thực hiện trong một thời gian dài và đạt được những thành tựu nhất định. Các viện nghiên cứu hay các trường học đều có những nghiên cứu chất lượng về đề tài thiết thực này. Việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong lĩnh vực này là việc làm vô cùng cần thiết. Những tiêu chuẩn được đưa ra không chỉ dành riêng cho đường cao tốc mà cần thiết cho toàn bộ hệ thống đường bộ.
Đến nay có khá nhiều dự án áp dụng hiệu quả hệ thống giao thông thông minh này, ta có thể điểm qua một vài dự án được nói tới nhiều nhất như:
Tại Thủ đô Hà Nội, Trung tâm điều khiển giao thông được xây dựng và chính thức đi vào hoạt động từ đầu thế kỉ 21 với hệ thống thiết bị điều khiển đèn tín hiệu giao thông do Pháp hỗ trợ. Đến nay sau 18 năm trung tâm này thường xuyên được nâng cấp và hoạt động hiệu quả trong việc giám sát và điều hành giao thông. Có thể nói đây chính là ứng dụng đầu tiên của công nghệ ITS với khu vực đô thị tại nước ta.
Dự án Đại lộ Thăng Long cùng sự hình thành Trung tâm quản lí đường cao tốc Hà Nội. Trung tâm được xây dựng với vai trò quan trọng trong quản lí an toàn giao thông, xử lí tai nạn giao thông và các biện pháp phòng ngừa,… Trung tâm được đầu tư các công nghệ hiện đại với các phương pháp phân loại phương tiện giao thông tự động, hệ thống camera giám sát, hệ thống cân tự động, hệ thống bảng thông báo điện tử,…
Hà Nội là thành phố có khá nhiều dự án liên quan đến giao thông thông minh. Tiếp tục là dự án có tên Remon với mục tiêu theo dõi, xác định trực tuyến lưu lượng giao thông, thu thập nguồn dữ liệu giao thông. Dự án này sử dụng các phương tiện giao thông được giám sát, định vị qua GPS để phát hiện các điểm tắc nghẽn. Các thông tin thu thập được chính là tiền đề cho các chiến lược , hoạch định dài hạn về giao thông.
Tại Hồ Chí Minh, trung tâm điều khiển giao thông cũng được xây dựng, lắp đặt hệ thống camera theo dõi số lượng lớn. Thành phố cũng đẩy mạnh những nghiên cứu, giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.
Chương trình ITS cho toàn thành phố được sở GTVT Đà Nẵng kết hợp cùng IBM thực hiện. Hệ thống camera được lắp đặt dày đặc trợ giúp đắc lực cho công tác “xử phạt nguội”. Dự án xây dựng và nâng cấp hệ thống tín hiệu, điều khiển giao thông được thực hiện với sự hỗ trợ từ ODA của Tây Ban Nha.
Sắp tới tại hai thành phố lớn nhất nước ta sẽ có một số tuyến đường sắt được đưa vào khai thác và dự kiến sẽ áp dụng thẻ thanh toán thông minh phục vụ công tác mua vé. Dự án cải tạo giao thông công cộng với thẻ thông minh cho xe buýt được áp dụng.
Đường cao tốc Bắc - Nam ở Việt Nam công có tổng chiều dài 1.811km. Trong đó, đoạn đường cao tốc dài 55km ở phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố công nghiệp trọng điểm Đồng Nai giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa 2 vùng. Điểm nhấn của đoạn đường cao tốc này sẽ là hệ thống giao thông thông minh (ITS) do Nhật Bản thiết kế và lắp đặt. Đây là giải pháp ITS trọn gói đầu tiên được các công ty Nhật Bản cung cấp cho khách hàng nước ngoài
Việc sử dụng hệ thống radio VOV giao thông mang lại hiệu quả rất tích cực tại Hà Nội, đây là một phương pháp đơn giản, chi phí thấp mà lại vô cùng có hiệu quả trong việc giảm ùn tắc giao thông đô thi.
Hệ thống giao thông nước ta đang có những bước phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và dịch vụ. Hệ thống quốc lộ, đường cao tốc không ngừng được cải thiện, đẩy mạnh đầu tư xây dựng đáp ứng nhu cầu của người dân. Dù chưa thực sự được triển khai rộng rãi nhưng ITS ở Việt Nam cũng có những kết quả nhất định.
Nguồn tham khảo:
https://bkaii.com.vn/tin-tuc/295-nhung-du-an-ap-dung-giao-thong-thong-minh-hieu-qua-o-nuoc-ta
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn