TP. HỒ CHÍ MINH: BA NĂM TRIỂN KHAI GIAO THÔNG THÔNG MINH

Thứ tư - 30/06/2021 23:11
Để đưa ra được những giải pháp giao thông thông minh hoàn thiện, cần sự tham gia của chuyên gia giao thông trong việc đặt đầu bài cho các công ty công nghệ, đó là kinh nghiệm xây dựng giao thông thông minh của TP. HCM trong gần 3 năm qua.

 

https://mt.gov.vn/Images/editor/images/NGUYEN/Nam%202020/Khoa%20hoc%20cong%20nghe/16-12%20KHCN%208.jpg
TP Hồ Chí Minh đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh

Giao thông - mũi nhọn quan trọng nhất

Tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh khiến TPHCM phải đối mặt với những áp lực khổng lồ trong việc phục vụ đời sống dân sinh, đồng thời đảm bảo giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường. Để giải quyết bài toán tổng thể khó khăn đó, TPHCM quyết định chuyển sang tiếp cận việc quản lý dựa trên dữ liệu lớn. Cách đây 3 năm, chính quyền Thành phố đã ban hành đề án xây dựng đô thị thông minh đến năm 2025 gồm 9 lĩnh vực, trong đó giao thông được coi là mũi nhọn quan trọng nhất. Hiện Thành phố đã xây dựng được Trung tâm Điều hành Giao thông Thông minh – trái tim của hệ thống giao thông thông minh (ITS) đô thị.
Tại hội thảo chuyên đề “Giao thông thông minh trong chiến lược Đô thị hóa và Phát triển đô thị” trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Đô thị thông minh ASEAN 2020 ngày 23/10 vừa qua, ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết Trung tâm đã hoàn thành giai đoạn 1, tức quản lý được các quận trung tâm (quận 1, quận 3, quận 5, quận Tân Bình, quận 4, một phần quận 2) và đang điều hành theo 36 kịch bản thời gian thực.
Nhờ vậy, mặc dù hạ tầng giao thông TPHCM trong thời gian qua hoàn thiện chậm so với mong muốn và lượng phương tiện tăng nhanh (riêng xe ô tô tăng trên 11%/năm) nhưng tình hình ùn tắc giao thông ở khu vực trung tâm đã “cơ bản được giảm bớt”, ông nhận xét. Với hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên một con đường được liên kết với nhau, ở một số trục đường lớn như Điện Biên Phủ hoặc Võ Thị Sáu ô tô có thể đi với vận tốc 40km/h mà không cần dừng đèn đỏ.
Ông Trần Quang Lâm cũng cho biết, trước đây, cần có cảnh sát giao thông hoặc thanh niên xung phong đứng điều tiết giao thông ở khu vực trung tâm trong giờ cao điểm, còn hiện nay gần như việc điều tiết đã được thực hiện từ Trung tâm, lực lượng chức năng chỉ can thiệp trong trường hợp có sự cố. Trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm sẽ hướng tới tối ưu hóa tự động bằng trí tuệ nhân tạo thay vì sử dụng các kịch bản như hiện nay để đạt được mức độ “thông minh” như nhiều đô thị hàng đầu khác trên thế giới.
Cùng với đó, hệ thống giám sát của Trung tâm còn cung cấp hình ảnh để phạt nguội những vi phạm về tốc độ, đi vào đường cấm, giờ cấm, hay vượt quá tải trọng cho phép. Dữ liệu camera về thực trạng giao thông và các thông tin cần thiết khác cũng được cung cấp cho người dân.
Theo thống kê của Công an TPHCM, với tính năng của các camera hiện đại, các “mắt thần” có thể nhận diện biển số xe ô-tô chính xác tới 95,5% và biển số xe hai bánh tới 87,1%. Tỷ lệ này sẽ được cải thiện trong thời gian tới và Trung tâm sẽ tiếp tục nâng cấp để có thể phát hiện ngay lập tức các sự cố trên toàn bộ hệ thống và cảnh báo trực tiếp cho người dân thông qua tin nhắn/zalo, app hoặc bảng điện tử.
TPHCM cũng đang phối hợp với Lãnh sự quán Anh, công ty VISA và các ngân hàng để triển khai hệ thống thanh toán điện tử bằng thẻ trên xe bus. Đến nay, người dân có thể dùng thẻ thanh toán vật lý (Uni Pass) hoặc mã QR trên ứng dụng điện thoại thông minh để quẹt tại 200 phương tiện của 26 tuyến bus nội đô.Ông Trần Quang Lâm cho biết Thành phố sẽ tiến tới xây dựng một trung tâm điều hành giao thông công cộng, kết nối với Trung tâm điều hành giao thông thông minh này.
Bên cạnh việc đảm bảo điều hành giao thông hằng ngày, TPHCM đang triển khai thí điểm đánh giá tác động đối với giao thông của các dự án, công trình lớn chuẩn bị xây dựng hoặc đã có trong quy hoạch dựa trên cơ sở phần mềm mô phỏng dự án.

Bài học kinh nghiệm xây dựng hệ thống

Mặc dù đã đạt được những kết quả khả quan nhưng ông Trần Quang Lâm chia sẻ, việc điều hành Trung tâm ban đầu khá lúng túng vì đây là một mô hình chưa có tiền lệ trong nước. Lúc bấy giờ, Việt Nam vẫn chưa có khung tiêu chuẩn và các tiêu chí kỹ thuật về kiến trúc ITS. Do vậy, đội ngũ của Sở GTVT TPHCM phải tự học hỏi, tham khảo nhiều mô hình ở Hàn Quốc, Pháp cùng một số quốc gia khác, đồng thời tham khảo ý kiến của một loạt đơn vị tư vấn và các nhà khoa học trong nước.
Mãi gần đây, vào tháng 7/2020, trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Bộ GTVT, Bộ KH&CN mới ban hànhTCVN 12836-1:2020về kiến trúc tham chiếu cho hệ thống ITS trong nước dựa trên tiêu chuẩn quốc tế ISO 14813-1:2015. Trên cơ sở tiêu chuẩn này, các thành phố có thể phê duyệt những dự án giao thông thông minh.
Để xây dựng một trung tâm điều hành giao thông thông minh, chính quyền TPHCM nhận ra rằng cần có một kiến trúc sư cho toàn hệ thống. Vì thế, chính quyền đã quyết định tìm một nhà tổng thầu EPC (tức nhà thầu thực hiện toàn bộ công việc từ tư vấn, thiết kế kỹ thuật, cung cấp thiết bị công nghệ cho đến thi công) làm "nhạc trưởng" cho dự án.
Bên cạnh đó, mặc dù có nhiều công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước ngỏ lời nhưng những người quản lý nhận thấy rằng nếu công ty chỉ cung cấp các thiết bị camera, phần mềm hay giải pháp chung thôi thì chưa đủ. Do giao thông Việt Nam có nhiều đặc thù về văn hóa, quy luật dòng xe, cho đến hạ tầng, quản lý, nên việc có mặt của các nhà chuyên môn để đặt ra các "bài toán" thích hợp cho các kỹ sư công nghệ là điều cực kì quan trọng.
"Chúng tôi đặt ra yêu cầu bắt buộc đối với đối tác là họ phải từng thiết kế một hệ thống ITS thành công và phải có chuyên gia nước ngoài cũng như các nhà nghiên cứu chuyên môn về giao thông tham gia", ông Lâm cho biết.

Nguồn tham khảo:
https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/70301/tp--ho-chi-minh--ba-nam-trien-khai-giao-thong-thong-minh.aspx

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây