CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
1. SỨ MẠNG
Trường Đại học Giao thông vận tải có sứ mạng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ chất lượng cao theo xu thế hội nhập, có trách nhiệm xã hội nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải và đất nước.
2. TẦM NHÌN
Trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu, khẳng định vị thế hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải, có uy tín và chất lượng ngang tầm châu Á.
3. GIÁ TRỊ CỐT LÕI
Tiên phong – Chất lượng – Trách nhiệm – Thích ứng
- Tiên phong: Luôn đi trước, đón đầu các xu thế phát triển trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, chủ động nắm bắt và giải quyết những thách thức của xã hội.
- Chất lượng: Tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, các sản phẩm khoa học công nghệ có uy tín.
- Trách nhiệm: Đối với cán bộ, giảng viên, người học, cộng đồng, xã hội và quốc tế.
- Thích ứng: Đổi mới theo điều kiện, thời gian, hoàn cảnh để ngày một phát triển.
4. TRIẾT LÝ GIÁO DỤC
Trường Đại học Giao thông vận tải hướng tới đào tạo người học trở thành công dân toàn cầu, có tinh thần dân tộc và trách nhiệm quốc tế.
Hoạt động đào tạo giúp người học phát triển toàn diện về đức-trí-thể-mỹ, trang bị kiến thức nền tảng cốt lõi và chuyên sâu cho mỗi cá nhân. Nhà trường xác định giáo dục phải gắn kết chặt chẽ với tiến bộ khoa học và công nghệ của thế giới, nhu cầu nguồn nhân lực, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nhiệm vụ bảo vệ, xây dựng Tổ quốc.
Nhà trường áp dụng phương pháp giáo dục tích cực, học đi đôi với hành, kiến tạo môi trường giúp người học xây dựng và rèn luyện ý thức tự học suốt đời, khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh nhằm phát huy tốt nhất tiềm năng và khả năng sáng tạo.
Nhà trường xác định người học là trung tâm, người thầy truyền cảm hứng.
5. MỤC TIÊU
Mục tiêu tổng quát
Phát triển Trường Đại học Giao thông vận tải thành trường đại học tự chủ, đa ngành theo định hướng nghiên cứu, có uy tín và chất lượng ngang tầm Châu Á.
Mục tiêu chiến lược
- Trở thành trường đại học đa ngành theo định hướng nghiên cứu;
- Xây dựng, phát triển các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học mạnh, có uy tín và năng lực xuất khẩu tri thức, chuyển giao công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông vận tải;
- Đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn mực quốc tế;
- Kiến tạo môi trường giáo dục chủ động và sáng tạo, hình thành ý thức học tập suốt đời, thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh;
- Có trách nhiệm với cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
6. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM
6.1.Xây dựng trường đại học tự chủ với mô hình quản trị tiên tiến, hệ thống và phương thức quản lý chuyên nghiệp đạt tới mô hình của trường đại học thông minh
- Tổ chức quản lý hoạt động của các đơn vị thuộc trường theo ISO 9001 và ISO 26000.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu số hoá về các mặt hoạt động của Nhà trường, hoàn thành việc xây dựng và vận hành Nhà trường điện tử vào năm 2021, hướng tới mô hình đại học thông minh vào năm 2025.
- Xây dựng Phân hiệu Trường Đại học GTVT tại TP.HCM là một đơn vị thuộc Trường được phân cấp tự chủ cao, theo mô hình Trường trong Trường.
- Đến hết năm 2023 hoàn thành việc đổi mới, tinh gọn cơ cấu tổ chức các đơn vị trong Trường hoạt động theo cơ chế tự chủ và trách nhiệm giải trình.
6.2. Đa dạng hóa ngành, phương thức và loại hình đào tạo phù hợp với xu thế phát triển khoa học công nghệ
- Tối ưu hệ thống đào tạo tín chỉ, đáp ứng cao nhất các nhu cầu học tập của người học.
- Rà soát và xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội, trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng tổng hợp, phát triển năng lực và tính sáng tạo. Chú trọng phát triển chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài; chương trình đào tạo hợp tác doanh nghiệp; chương trình đào tạo theo cách tiếp cận liên ngành, xuyên ngành.
- Đa dạng hoá phương thức và loại hình đào tạo đáp ứng xu thế phát triển khoa học công nghệ: tập trung phát triển các chương trình đào tạo mở, đào tạo ngắn hạn, đào tạo thường xuyên phục vụ nhu cầu tái đào tạo, học tập suốt đời.
- Nâng chuẩn chất lượng đầu ra đối với các ngành học nhằm đem lại sự hài lòng cho nhà tuyển dụng và xã hội. Chú trọng đào tạo tinh hoa tạo thương hiệu cho Nhà trường.
- Triển khai kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục và chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận quốc tế. Đến năm 2025, có ít nhất 05 chương trình đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế.
6.3. Khẳng định vai trò tiên phong, vị thế hàng đầu Việt Nam về khoa học công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm phục vụ công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước
- Đến năm 2025, xây dựng tối thiểu 03 nhóm nghiên cứu mạnh thuộc một số hướng nghiên cứu ưu tiên: đường sắt, đường bộ, cơ khí giao thông, vật liệu tiên tiến, giao thông thông minh, thành phố thông minh, logistic.
- Xây dựng và phát triển các viện nghiên cứu, trung tâm khoa học công nghệ có khả năng độc lập, chủ động thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ, tạo ra các sản phẩm khoa học có chất lượng cao, có khả năng giải quyết các vấn đề khoa học – thực tiễn phức tạp có tính liên ngành, tạo thương hiệu, đem lại lợi ích cho Nhà trường và xã hội.
- Tích cực, chủ động tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ như: biên soạn quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tham gia thực hiện các đề tài, dự án NCKH các cấp. Nâng cao số lượng và chất lượng đề tài, dự án: đến năm 2023, số lượng đề tài NCKH triển khai thực hiện cấp Nhà nước, cấp Bộ hoặc tương đương, đề tài theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp là 20-25 đề tài/năm; đến năm 2025, 50% đề tài cấp Bộ trở lên có hợp tác với đối tác nước ngoài.
- Đến năm 2023, công bố ít nhất 600 bài báo đăng trên tạp chí trong nước và quốc tế/năm, trong đó có tối thiểu 150 bài báo quốc tế/năm thuộc danh mục Web of Science, Scopus; tổ chức tối thiểu 20 hội thảo/năm; hằng năm có sản phẩm sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, có các đề tài nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên tham dự và đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế.
- Tạp chí Khoa học Giao thông vận tải của Trường hướng tới mục tiêu thuộc danh mục Scopus, Web of Science.
- Xây dựng Quỹ phát triển khoa học công nghệ làm nguồn gieo mầm các hạt nhân KHCN cho Nhà trường: hỗ trợ hoàn thiện, thương mại hóa sản phẩm KHCN.
6.4. Nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức theo yêu cầu hội nhập quốc tế
- Xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn quy định năng lực viên chức; đánh giá mức độ thực hiện công việc theo chỉ số KPI, có cơ chế khen thưởng – kỷ luật nhằm thúc đẩy người lao động trong Nhà trường nâng cao trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ. Đến năm 2025, 15% giảng viên có học hàm GS-PGS, 45% giảng viên có học vị tiến sĩ; phấn đấu trên 85% giảng viên đạt trình độ ngoại ngữ B2 theo chuẩn khung năng lực châu Âu hoặc tương đương, 60% viên chức hành chính sử dụng tốt tiếng Anh và 100% viên chức thành thạo tin học trong công việc.
- Xây dựng cơ chế thu hút các nhà khoa học uy tín trong nước và quốc tế, các nhà khoa học trẻ tài năng về làm việc và trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ tại trường.
6.5. Tăng cường và hiện đại hoá cơ sở vật chất
- Quản lý, khai thác hiệu quả cơ sở vật chất hiện có.
- Xây dựng và hiện đại hóa cơ sở vật chất có trọng tâm, trọng điểm, phân kỳ đầu tư theo giai đoạn. Ưu tiên phát triển các phòng thí nghiệm.
- Đảm bảo diện tích phòng làm việc, phòng học, ký túc xá đạt chuẩn theo quy định hiện hành.
- Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu của trường đại học thông minh.
- Phát triển hệ thống thư viện tiên tiến, đa chức năng, thân thiện, sáng tạo.
- Đến năm 2030, Trường có thêm phân hiệu mới.
6.6. Phát triển nguồn lực tài chính theo hướng đa dạng hoá và bền vững
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính.
- Đến năm 2023, đạt mức 100% tự chủ về chi tiêu thường xuyên. Hàng năm nâng dần tỷ lệ trích lập chênh lệch thu chi cho Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp.
- Tăng quy mô và đa dạng hoá các nguồn lực tài chính.
- Tiếp tục tìm kiếm và phát triển các nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, nguồn xã hội hoá.
- Đầu tư mạnh hơn nữa cho công tác NCKH và chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Đến năm 2025, tăng tỉ trọng nguồn thu từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu chuyển giao, lao động sản xuất lên mức trên 15% tổng nguồn thu của Trường.
- Đến năm 2025, nguồn thu từ đào tạo khác ngoài hệ chính quy đóng góp trên 10% tổng nguồn thu của Trường.
6.7. Kiến tạo môi trường giáo dục thân thiện, dân chủ, sáng tạo và trách nhiệm cho viên chức, người lao động, người học; phát huy niềm tự hào, bản sắc riêng và uy tín thương hiệu của Trường Đại học Giao thông vận tải thông qua các hoạt động phục vụ cộng đồng
- Tăng cường nhận thức về văn hoá mang bản sắc Trường Đại học GTVT, tạo ấn tượng tốt về một Nhà trường thân thiện và chuyên nghiệp. Đến năm 2021, hoàn thiện bộ quy tắc về văn hoá ứng xử.
- Hoàn thiện chính sách khuyến khích viên chức, người lao động, người học đóng góp cho sự phát triển của Nhà trường.
- Nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ của viên chức, người lao động với người học.
- Tạo môi trường lành mạnh, bổ ích cho người học thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao,… nhằm phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.
- Phát triển mạng lưới cựu sinh viên, mở rộng các quỹ khuyến học, quỹ học bổng để khuyến khích các sinh viên giỏi, hỗ trợ - giúp đỡ các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
- Thành lập trung tâm tư vấn, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp sáng tạo cho sinh viên.
- Tích cực và chủ động trong các hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng.
- Đẩy mạnh truyền thông và quản trị thương hiệu.
6.8. Tăng cường mở rộng các hoạt động đối ngoại trong nước và quốc tế, xây dựng các quan hệ hợp tác về đào tạo và nghiên cứu thực chất, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế của Trường Đại học Giao thông vận tải.
- Quan hệ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp có tiềm lực. Đóng vai trò là một thành viên tích cực trong các hiệp hội, mạng lưới hợp tác quốc tế về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ.
- Xây dựng môi trường đào tạo chuẩn quốc tế.
- Tổ chức các chương trình liên kết đào tạo, đề tài, dự án KHCN, hội thảo hợp tác quốc tế.
- Tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên, học viên, giảng viên, nghiên cứu viên, viên chức quản lý với các đối tác quốc tế. Từ năm 2025, các khoa chuyên môn đều có chương trình trao đổi hàng năm.
- Vận hành có hiệu quả các trung tâm hợp tác quốc tế về đào tạo, NCKH.
- Nâng cao thứ bậc của Nhà trường trên các bảng xếp hạng đại học ở trong nước và quốc tế. Đến năm 2025, Nhà trường có ngành đào tạo được xếp hạng trong bảng QS Ranking khu vực châu Á.
Nguồn: Trường ĐH Giao thông Vận tải.