“Mỗi ngày một tin tốt - Mỗi tuần một câu chuyện đẹp”

Thứ bảy - 30/01/2021 21:35
Thùng quỹ 'vì người nghèo' đền đáp ân tình của Hoàng 'cờ lê'
Ngày Hoàng được trao “cần câu cơm” là khoản tiền sắm đồ nghề và tiệm sửa xe máy của mình từ các thầy cô, nhà hảo tâm - Ảnh: L.T.
Ngày Hoàng được trao “cần câu cơm” là khoản tiền sắm đồ nghề và tiệm sửa xe máy của mình từ các thầy cô, nhà hảo tâm - Ảnh: L.T.

Chàng trai chủ tiệm sửa xe chính là người vận động, và cũng chính bạn đã nhiều năm mỗi ngày trích khoản thu nhập ít ỏi của mình để "trả ơn đời".

Bi kịch của Hoàng "cờ lê"

Chàng chủ tiệm là Hồ Viết Hoàng (24 tuổi), có biệt danh Hoàng "cờ lê" - do chính thầy cô, bè bạn đặt cho. 

Buổi sáng cuối năm, khoảng sân nhỏ bên căn nhà cấp 4 nơi Hoàng làm tiệm sửa xe có khá đông khách. Một người đàn ông trong bộ đồ nhàu cũ hớt hải dắt chiếc xe máy cũ tới nhờ Hoàng "chẩn bệnh". 

Dù chuẩn bị ra Đà Nẵng dự đám cưới của người bạn thân, Hoàng vẫn lôi bộ đồ nghề ra giúp. "Xe của bác chỉ hư vặt, cháu không lấy tiền công, nếu bác có lòng thì bỏ tiền vào thùng này để cháu đi giúp đỡ người nghèo khó" - Hoàng nói và chỉ tay vào chiếc tủ kính, vốn là tủ thuốc chữa bệnh, được anh tận dụng làm thùng quyên góp.

Ngược trở lại quá khứ, câu chuyện của Hoàng luôn được nhiều thầy cô ở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam nhớ mãi. Thầy Võ Đăng Thể - hiện là chánh văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam - nói ông luôn nhớ câu chuyện về cậu học trò Hồ Viết Hoàng mà ông từng dạy ở Trường THPT Hùng Vương. 

Thầy Thể kể trong khoảng năm 2013-2015, Hoàng luôn đến trường với khuôn mặt xanh xao, cơ thể gầy khô, ốm yếu. Cha mất sớm, mẹ Hoàng được phát hiện mắc chứng u hắc tố ác tính vùng má khiến ngôi nhà thêm chênh vênh. 

Hoàng là con út, hai chị đã đi lấy chồng khiến ngôi nhà mất chỗ dựa. Trong một giờ thể dục, Hoàng đột nhiên ngất xỉu, được đưa đi viện và chẩn đoán suy nhược cơ thể nặng, mắc chứng đau đầu kinh niên.

Giữa năm học lớp 12, dù nằm trong tốp những học sinh học khá nhất trường nhưng hoàn cảnh quá khó khăn nên Hoàng quyết định từ bỏ việc học. Nhiều thầy cô tìm cách hỗ trợ, khuyên nhủ nhưng Hoàng nói chứng đau đầu, chân tay bủn rủn khiến bạn không thể tiếp tục cầm bút. 

Một người bạn thân học cùng lớp đã âm thầm làm thủ tục đăng ký xét tuyển vào hai trường đại học thay Hoàng. 

Cuối cùng Hoàng cũng trúng tuyển vào hai trường tại Quảng Nam, Đà Nẵng năm 2016. Nhưng hoàn cảnh bản thân quá ngặt nghèo, Hoàng không đến giảng đường mà chuyển sang học nghề sửa chữa xe máy.

Ân tình của thầy cô, bè bạn

Nhớ lại những ngày chênh vênh, Hoàng nói cậu không có niềm tin sẽ theo hết 4 năm đại học khi chứng mất ngủ và bệnh đau đầu cứ đeo dai dẳng. Hoàng bảo phải tìm con đường nào ngắn nhất để về xây nhà cho mẹ, lo cho tương lai của mình. Cậu không hề biết rằng hoàn cảnh của mình vẫn được các thầy cô, bạn bè cùng khóa theo dõi và tìm cách ủng hộ.

Cuối năm 2017, một trận lũ lớn nhấn chìm những ngôi làng. Sau lũ, thấy xe máy của bà con "chết" la liệt, Hoàng đi mượn đồ nghề rồi gọi bà con đem xe tới sửa miễn phí. Câu chuyện chàng trai nghèo tốt bụng bắt đầu được truyền đi.

Một buổi trưa, khi Hoàng đang ngồi mướt mồ hôi sửa từng đống xe máy ngâm lụt cho bà con trong xã thì một giáo viên của Trường THPT Hùng Vương - nơi Hoàng từng học cấp III - đi qua. Hình ảnh của Hoàng làm giáo viên này xúc động. 

Ngay sau đó, một cuộc "vận động" giúp Hoàng được âm thầm phát động từ những thầy cô giáo, nhà hảo tâm. Khi tâm sự với cô giáo cũ, Hoàng buột miệng nói rằng cậu vẫn áy náy vì những sự giúp đỡ của mọi người ngày cậu còn đi học tới giờ cậu vẫn chưa thể đền đáp. Nay Hoàng đã có nghề sửa xe nhưng hoàn cảnh quá nghèo, mẹ đau yếu nên không có vốn liếng mua đồ nghề, mở cho mình một tiệm sửa chữa nhỏ. 

Nếu tiệm được mở, Hoàng sẽ sửa chữa miễn phí cho những người đã giúp mình, cho những bà con nghèo quanh nơi cậu ở, rồi dành dụm tiền công đi giúp lại người nghèo khó xung quanh.

Mấy tháng sau từ khi gặp cô giáo, một hôm có một toán thợ xây đến chở theo đồ đạc và bảo Hoàng dọn dẹp khu đất để xây tiệm. Những người thợ xây nói họ được yêu cầu xuống xây xưởng miễn phí, không lấy tiền công cho Hoàng "thực hiện ước mơ". 

Hàng xóm thấy vậy cũng xắn một tay qua giúp, căn nhà cấp 4 lợp tôn, trát tường ximăng rộng chừng 40m2 được cấp tốc làm. 

Ngày "khánh thành", Hoàng vô cùng bất ngờ khi thấy chính cô giáo cũ của mình cầm một khoản tiền mà cô kêu gọi thầy cô, nhà hảo tâm góp được để trao tận tay giúp Hoàng sắm sửa đồ nghề, hiện thực hóa giấc mơ của mình.
 

Những đồng tiền công nghĩa tình

Tiệm sửa xe của Hoàng giờ đã thành hình bên con đường nhỏ xuyên qua cánh đồng ở xã Bình An (huyện Thăng Bình). Hôm một thầy giáo cũ ghé thăm, Hoàng vui mừng khoe vừa sắm được một chiếc máy tháo lốp xe bằng thủy lực trị giá hơn 20 triệu đồng. 

"Từ khi được mọi người giúp đỡ, em đã dành dụm sắm được cái máy này để giảm bớt sức lực, vì tay em vẫn bị chứng bủn rủn, sức khỏe yếu. Em cũng mới mua cho mẹ được một bộ bàn ghế ngồi trong căn nhà, số tiền còn lại em dành để bỏ quỹ giúp người nghèo" - Hoàng nói với thầy.

Trong tiệm sửa xe, "quỹ" là một chiếc tủ kính nhỏ mà trước đây mẹ cậu đã xin của một người bán thuốc tây để về đựng trứng vịt bán cho bà con. Mỗi ngày, khi khép lại cửa tiệm, chàng thợ nghèo này lại lận trong túi quần của mình những đồng tiền công nhàu cũ, ít ỏi để trích lại bỏ vào quỹ giúp người nghèo.

"Bà con tới sửa xe mà họ khó khăn, xe cũng không phải thay thế đồ phụ tùng quá lớn tiền thì tôi không lấy tiền công, họ tự nguyện bỏ vào chiếc thùng kính đó. Ai cũng cười" - Hoàng kể.

Hoàng cho biết những gì mình đang có đều như một giấc mơ mà món nợ lớn nhất của cậu là nợ nghĩa tình từ sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè. Vì vậy, từ khi mở tiệm sửa xe máy tới nay Hoàng luôn tự hứa với mình sẽ trích từng khoản thu nhập ít ỏi để đi giúp đỡ những mảnh đời nghèo khó, sửa xe miễn phí cho bà con nghèo trong xã. 

Từ những khoản đóng góp tại tiệm sửa xe, Hoàng đã gửi cô giáo cũ của mình, rồi nhiều lần tự mình tìm đến người khó khăn để hỗ trợ.

Cầu chúc cho ước muốn đáp đền ân nghĩa của Hoàng "cờ lê" mãi luôn suôn sẻ để ngày qua ngày những câu chuyện đẹp về nghĩa tình vẫn âm thầm lan tỏa.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây