- 31/10/2019 02:00:00 AM
- Đã xem: 916
- Phản hồi: 0
Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, phổ biến, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội Việt Nam. Thờ Mẫu chính là sự tin tưởng, ngưỡng mộ, tôn vinh và thờ phụng những vị nữ thần gắn với các hiện tượng tự nhiên, vũ trụ; được người đời cho rằng có quyền năng sáng tạo, bảo trợ và che chở cho sự sống của con người như: trời, đất, sông nước, rừng núi….; thờ những thái hậu, hoàng hậu, công chúa là những người khi sống tài giỏi, có công với dân, với nước, khi mất hiển linh phù trợ cho người an, vật thịnh. Trải qua hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta đã phát triển hình thành tín ngưỡng Tam phủ: Thiên phủ, Nhạc phủ, Thoải phủ; Tứ phủ, ngoài ba phủ trên có thêm Địa phủ.
Tín ngưỡng thờ Mẫu giữ một vị trí đặc biệt trong sinh hoạt tinh thần của người dân Việt; nó là một nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân đã tồn tại trong lịch sử và cả thời đại ngày nay. “Mẫu” là hình tượng, một biểu trưng và là sự kết tinh sống động của đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam. “Mẫu” có sức hấp dẫn đặc biệt, nhưng cũng đặt ra không ít các vấn đề cho nhiều nhà khoa học, nhiều người nghiên cứu quan tâm theo nhiều hướng khác nhau trong toàn xã hội. Đến với “Mẫu” không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu còn là hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn có sức lôi cuốn con người. Người ta đến với “Mẫu” còn có cả sự đồng cảm về giá trị văn hóa và góp phần củng cố ý thức cộng đồng của dân tộc Việt Nam.
Với những vấn đề lý luận và thực tiễn trên, TS Vũ Hồng Vận – trưởng Khoa Khoa học cơ bản, Phân hiệu trường đại học GTVT tại TP HCM và công sự đã cho ra đời cuốn sách “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong sinh hoạt tinh thần của người Việt Nam”.