Một trong những câu hỏi mà các sinh viên ngành Kinh tế xây dựng hiện nay rất quan tâm đó là: sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng, các em cần phải có những chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nào để có thể tham gia vào hoạt động quản lý xây dựng? Bài viết của Ths. Lê Trọng Tùng - Bộ môn KTXD, Phân hiệu Trường ĐH GTVT tại TP.HCM chia sẻ những điều kiện chung và điều kiện cụ thể để cá nhân được cấp các chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, có liên quan đến chuyên ngành Kinh tế xây dựng.
CÁC CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG MÀ KỸ SƯ KINH TẾ XÂY DỰNG CẦN CÓ VÀ ĐIỀU KIỆN CẤP CÁC CHỨNG CHỈ
ThS. Lê Trọng Tùng – Bộ môn Kinh tế xây dựng
Một trong những câu hỏi mà các sinh viên ngành Kinh tế xây dựng hiện nay rất quan tâm đó là: sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng, các em cần phải có những chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng nào để có thể tham gia vào hoạt động quản lý xây dựng?
Trước khi đi vào cụ thể về các chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng mà các Kỹ sư Kinh tế xây dựng cần có, tác giả xin được giải thích một số khái niệm có liên quan:
P Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ hành nghề) được cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam để đảm nhận các chức danh hoặc hành nghề độc lập quy định tại khoản 3 Điều 148 Luật xây dựng năm 2014.
- Cá nhân không có chứng chỉ hành nghề được tham gia các hoạt động xây dựng thuộc lĩnh vực phù hợp với chuyên ngành được đào tạo, phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động và không được hành nghề độc lập, không được đảm nhận các chức danh mà theo quy định của Luật xây dựng phải có chứng chỉ hành nghề.
P Mã số và hiệu lực của chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
- Mã số chứng chỉ hành nghề: Là dãy số có 08 chữ số dùng để quản lý chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của cá nhân. Mỗi cá nhân tham gia hoạt động xây dựng khi đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề lần đầu theo quy định của Chính phủ được cấp một Mã số chứng chỉ hành nghề. Mã số chứng chỉ hành nghề không thay đổi khi cá nhân đề nghị cấp lại hoặc điều chỉnh, bổ sung nội dung chứng chỉ hành nghề đã được cấp.
- Hiệu lực của chứng chỉ hành nghề: Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực tối đa 05 năm. Riêng đối với chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không quá 05 năm.
Hiện nay, theo quy định của Nhà nước có rất nhiều chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, đối với những Kỹ sư Kinh tế xây dựng, để đảm nhận các chức danh phù hợp với chuyên ngành đào tạo thì cần có 3 chứng chỉ cơ bản, đó là: Chứng chỉ hành nghề Định giá xây dựng; chứng chỉ hành nghề Quản lý dự án và chứng chỉ hành nghề hoạt động Đấu thầu. Vậy điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề này là gì?
1. Điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng
- Theo Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định số 100/2018/NĐ-CP), điều kiện chung để cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đó là:
a. Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
b. Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau:
- Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 07 năm trở lên;
- Hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 04 năm trở lên;
- Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.
c. Đạt yêu cầu sát hạch đối với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề Định giá xây dựng
- Theo Nghị định số 100/2018/NĐ-CP thì chứng chỉ hành nghề Định giá xây dựng có 3 hạng và điều kiện để được cấp chứng chỉ này đó là:
a. Hạng I: Đã chủ trì thực hiện một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B trở lên hoặc 01 công trình từ cấp I hoặc 02 công trình từ cấp II trở lên.
b. Hạng II: Đã chủ trì thực hiện một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất 01 dự án từ nhóm B hoặc 02 dự án từ nhóm C trở lên hoặc 01 công trình từ cấp II hoặc 02 công trình từ cấp III trở lên.
c. Hạng III: Đã tham gia thực hiện một trong các công việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng của ít nhất 01 dự án từ nhóm C hoặc 02 dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng trở lên hoặc 01 công trình từ cấp III trở lên hoặc 02 công trình từ cấp IV trở lên.
- Phạm vi hoạt động đối với những người có chứng chỉ hành nghề Định giá xây dựng:
+ Hạng I: Được chủ trì thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng không phân biệt loại, nhóm dự án và loại, cấp công trình xây dựng.
+ Hạng II: Được chủ trì thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng các loại dự án từ nhóm B trở xuống và các loại công trình từ cấp I trở xuống.
+ Hạng III: Được chủ trì thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng các loại dự án nhóm C, dự án có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng và các loại công trình từ cấp II trở xuống.
3. Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề Quản lý dự án
- Cá nhân đảm nhận chức danh giám đốc quản lý dự án phải có chứng chỉ hành nghề quản lý dự án phù hợp với loại và quy mô dự án theo quy định của Chính phủ. Theo Nghị định số 100/2018/NĐ-CP thì chứng chỉ hành nghề Quản lý dự án cũng có 3 hạng và điều kiện để được cấp chứng chỉ này đó là:
a. Hạng I: Đã làm giám đốc quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B cùng loại trở lên; hoặc có một trong ba loại chứng chỉ hành nghề (thiết kế xây dựng hạng I; giám sát thi công xây dựng hạng I; định giá xây dựng hạng I) và đã tham gia quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm A hoặc 02 dự án từ nhóm B cùng loại trở lên.
b. Hạng II: Đã làm giám đốc quản lý dự án của 01 dự án từ nhóm B hoặc 02 dự án từ nhóm C cùng loại trở lên hoặc có một trong ba loại chứng chỉ hành nghề (thiết kế xây dựng hạng II; giám sát thi công xây dựng hạng II; định giá xây dựng hạng II) và đã tham gia quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm B hoặc 02 dự án từ nhóm C hoặc 03 dự án có yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật cùng loại trở lên.
c. Hạng III: Đã tham gia quản lý dự án của ít nhất 01 dự án từ nhóm C cùng loại trở lên.
- Phạm vi hoạt động đối với những người có chứng chỉ hành nghề Quản lý dự án:
+ Hạng I: Được làm giám đốc quản lý dự án tất cả các nhóm dự án tương ứng với loại dự án được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
+ Hạng II: Được làm giám đốc quản lý dự án nhóm B, nhóm C tương ứng với loại dự án được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
+ Hạng III: Được làm giám đốc quản lý dự án nhóm C và dự án chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng tương ứng với loại dự án được ghi trong chứng chỉ hành nghề.
4. Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu
- Theo Điều 13 của Thông tư 03/2016/TT-BKHĐT ngày 05 tháng 5 năm 2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc quy định chi tiết đối với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về đấu thầu, thì cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
a. Có chứng chỉ đào tạo đấu thầu cơ bản;
b. Tốt nghiệp đại học trở lên;
c. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
d. Có tối thiểu 04 năm kinh nghiệm liên tục làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu thầu hoặc có tổng thời gian tối thiểu 05 năm làm các công việc liên quan trực tiếp đến hoạt động đấu thầu nhưng không liên tục hoặc đã trực tiếp tham gia lập, thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm định kết quả đánh giá hồ sơ quan tâm, kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, kết quả lựa chọn nhà thầu tối thiểu 05 gói thầu quy mô lớn (gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu trên 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu trên 20 tỷ đồng) hoặc 10 gói thầu quy mô nhỏ. Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn phức tạp được tính tương đương gói thầu quy mô lớn; gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn đơn giản được tính tương đương gói thầu quy mô nhỏ;
e. Đạt kỳ thi sát hạch do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức./.
Trên đây là những điều kiện chung và điều kiện cụ thể để cá nhân được cấp các chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, có liên quan đến chuyên ngành Kinh tế xây dựng. Và điều kiện tiên quyết cho các chứng chỉ này đó là phải có trình độ đại học (trừ chứng chỉ hạng III). Vì vậy, đối với các sinh viên nói chung và sinh viên ngành Kinh tế xây dựng nói riêng thì việc của các em cần làm bây giờ là hãy cố gắng học tập thật tốt để tích lũy được những kiến thức chuyên môn phục vụ cho công việc sau này và có được tấm bằng đại học – đó là những hành trang cho tương lai của các em./.