Chưa đầy 1 tuần nữa, hơn 900.000 thí sinh cả nước sẽ chính thức bước vào kỳ thi THPT quốc gia (diễn ra 2 ngày từ 9-10.8). Năm nay, cùng với tình hình chung của toàn xã hội, học sinh lớp 12 rơi vào thế bị động trong việc lên kế hoạch học và ôn thi. Bên cạnh đó, một số thay đổi về thời gian thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét tuyển đại học ở các trường… gây lo lắng cho cả học sinh và phụ huynh. Vì vậy, việc chuẩn bị tâm lý vững vàng trước và trong quá trình diễn ra kỳ thi thật sự cần thiết.
Chuẩn bị sức khỏe và tâm lý
Rất nhiều sĩ tử sai lầm là học ôn đến cận ngày thi, thậm chí là đến trước giờ thi, lo lắng không ăn uống, không ngủ, nghỉ trước ngày thi. Dẫn đến khi vào phòng thi mệt mỏi, không tập trung, không nhớ kiến thức đã học kết quả là không làm bài thi tốt. Vì vậy, các bạn cần phải canh điểm rơi phong độ phải rơi vào những ngày thi, phải khoẻ mạnh cả thể lực và tinh thần. Muốn vậy, trước ngày thi một tuần phải giảm cường độ học ôn, trước ngày thi 2 ngày phải thả lỏng hoàn toàn, giải trí, nghỉ ngơi, ăn uống, ngủ điều độ... Việc nghỉ ngơi, thả lỏng trước ngày thi sẽ giúp các kiến thức đã học quay về và khi làm bài thi sẽ nhớ lại được kiến thức đã học.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-1 trở lại và bùng phát ở một số tỉnh, thành và có nguy cơ lan rộng, các em cần hết sức lưu ý đi ra ngoài phải đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, không đến nơi đông người, thường xuyên tập thể dục để tăng sức đề kháng.
Không nên quá căng thẳng và lo lắng
Các em phải cố gắng ngủ vào buổi tối trước ngày thi và trong các ngày thi. Đừng lo lắng quên giờ vì đã có báo thức điện thoại và người thân (có thể để 2 chuông báo thức). Tuyệt đối không được bỏ ăn sáng mà trái lại phải cố gắng ăn nhiều hơn ngày thường vì chuẩn bị năng lượng cho ngày làm việc vất vả.
Không nên đến phòng thi quá sớm, hoặc quá trễ, khi vào phòng thi phải cố gắng thả lỏng, chỉ tập trung vào hít thở, không lên quá căng thẳng và lo lắng vì như vậy sẽ thiêu cháy các nơ ron thần kinh và mất sự tập trung khi làm bài thi.
Nhớ đọc kỹ đề và lên kế hoạch thời gian làm bài, câu dễ làm trước, câu khó làm sau, phải theo dõi cân đối thời gian, tránh chôn chân ở một câu quá lâu. Khi làm ngoài giấy nháp cũng ghi rõ ràng, hệ thống để khi quay lại làm câu khó không tốn thời gian làm lại từ đầu. Không nên bỏ cuộc giữa đường, phải chiến đấu đến giây phút cuối cùng.
Không nên thấy đề dễ dẫn đến chủ quan, đề khó dẫn đến nản lòng. Vì kết quả thi còn dùng để xét tuyển vào các trường đại học nên các bạn cần nhớ nguyên tắc “dễ ta dễ người, khó ta khó người”. Kết quả thi của cá nhân cạnh tranh với các thí sinh khác. Chấp hành nghiêm túc các yêu cầu của giám thị, cái gì chưa rõ cứ hỏi công khai.
Vui vẻ và hài lòng với kết quả thi
Hãy vui vẻ và hài lòng với kết quả thi dù như thế nào. Vì chúng ta đã nỗ lực hết sức. Nếu có luyến tiếc chăng thi đó là cả quá trình học phổ thông chúng ta chưa cố gắng nhiều, còn các ngày trước và trong ngày thi tốt nghiệp em đều nỗ lực hết sức.
Chúc các “chú ngựa 2002” chạy đến đích mong muốn!