Cơ hội việc làm của ngành du lịch

Thứ hai - 07/01/2019 02:34
     Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của hầu hết các nước phát triển trên thế giới đang dần đẩy mạnh chuyển dịch tỉ trọng từ công nghiệp sang nhóm ngành dịch vụ, trong đó không thể không kể đến sự đầu tư mạnh mẽ vào ngành du lịch. Tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 7/2017, Chính phủ cũng xác định Du lịch là một trong 3 ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam (bên cạnh Nông nghiệp và Công nghệ thông tin). Cũng vì thế mà xu hướng chọn theo học ngành Du lịch của học sinh, sinh viên Việt Nam đang gia tăng đáng kể. Mọi người vẫn hay truyền tai nhau: “Làm du lịch là kiếm được khối tiền” hoặc “Học du lịch mai sau ra không cần lo chuyện việc làm”. Vậy nhưng bạn có thực sự hiểu ngành du lịch làm những công việc gì và cơ hội xin việc của ngành hiện nay như thế nào chưa? Bài viết này sẽ giúp bạn sáng tỏ tất cả các vấn đề liên quan đến ngành du lịch.
       TỔNG QUAN VỀ NGÀNH DU LỊCH
       Du lịch là gì?
     Xét theo góc độ một ngành kinh tế, du lịch là ngành kinh doanh tổng hợp mang lại hiệu quả cao trên nhiều mặt: nâng cao hiểu biết về thiên nhiên, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, từ đó góp phần làm tăng thêm tình yêu đất nước. Bên cạnh đó, du lịch còn được coi là một hình thức xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn
     Tình hình phát triển ngành du lịch Việt Nam
     Trong những năm qua, du lịch Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, lượng khách quốc tế cũng như khách du lịch nội địa ngày càng tăng. Du lịch Việt Nam ngày càng mở rộng và được biết đến nhiều hơn trên thế giới, rất nhiều điểm đến trong nước được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, tính chung trong 9 tháng đầu năm 2018, riêng số lượt khách quốc tế đến Việt Nam là 9.448.331 lượt, tăng 28,4% so với cùng kì năm 2017 (chưa kể khách du lịch nội địa). Cùng với đó, hình ảnh du lịch quốc gia ngày càng được nâng cao. Hệ thống di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày càng phong phú, có thể kể đến tiêu biểu như Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể danh thắng Tràng An, Phố cổ Hội An, Quần thể di tích Cố Đô Huế, Cao nguyên đá Đồng Văn…
     Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng đang góp phần tạo công ăn việc làm và giải quyết an sinh xã hội cho hàng triệu người dân Việt Nam. Đến năm 2017, ước tính đã có hơn 1,7 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó 550 nghìn lao động trực tiếp và 1,2 triệu lao động gián tiếp.
     Qua những số liệu thống kê trên, bạn có thể phần nào hình dung được tiềm năng làm việc tại ngành du lịch rồi chứ? Sau đây hãy cùng đi sâu vào tìm hiểu thị trường việc làm của ngành du lịch - lữ hành nhé.
       NGÀNH DU LỊCH LÀM NHỮNG CÔNG VIỆC GÌ?
     Nhắc đến ngành du lịch có thể bạn sẽ nghĩ ngay đến cụm từ Hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên xét trên góc độ doanh nghiệp, du lịch bao gồm rất nhiều khâu và mỗi khâu lại đảm nhận những công việc hoàn toàn khác nhau, trong đó Hướng dẫn viên du lịch chỉ là một phần rất nhỏ trong vô số các công việc có thể làm tại ngành này. Về cơ bản du lịch có 7 nhóm việc chính sau:
1. Quản lý du lịch
     Trái ngược với hướng dẫn viên du lịch, những người quản lý du lịch chủ yếu làm việc trong văn phòng với các báo cáo, đề án, hồ sơ… Bên cạnh đó họ cũng chịu trách nhiệm trong việc gặp gỡ đối tác, tham dự hội thảo, tham gia các đợt quảng bá du lịch, đến nhiều nơi để tham quan, khảo sát, học hỏi, áp dụng kiến thức cho doanh nghiệp mình. Chính vì vậy những nhà quản lý du lịch thường có mối quan hệ rộng, am hiểu và có kỹ năng giao tiếp tốt. Có thể nói đây là công việc của những người có năng lực quản lý và hiểu biết sâu rộng về du lịch. Với các nhà quản lý doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ du lịch, tài nguyên du lịch (ví dụ như Quản lý nhà hàng, khách sạn…), ngoài kiến thức chung về du lịch và quản lý, họ còn cần có chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể để lãnh đạo nhân viên và các bộ phận dưới quyền.
     Mặc dù đây không phải công việc mà sinh viên mới ra trường, ít kinh nghiệm có thể làm ngay nhưng hãy cứ coi nó là mục tiêu để phấn đấu trong tương lai nhé.
2. Điều hành du lịch
     Nhiệm vụ chính của những người điều hành du lịch (ví dụ Điều hành tour,...) là phân công việc cho các hướng dẫn viên, tiếp nhận thông tin từ các chương trình du lịch về yêu cầu của khách, những vấn đề phát sinh trong tour để phối hợp với các bộ phận và cơ quan chức năng giải quyết, đồng thời nhận và giải quyết những khiếu nại của khách sau khi tour kết thúc. Bên cạnh đó họ còn có nhiệm vụ điều phối những người điều khiển phương tiện đưa đón và phục vụ khách (nếu có).
      Mặc dù người điều hành du lịch chủ yếu làm việc trong văn phòng thoải mái nhưng hay phải chịu áp lực khá lớn với lượng thông tin khổng lồ đổ về từ các tour, đặc biệt là trong mùa cao điểm du lịch.
3. Nhân viên marketing du lịch
     Nhân viên marketing du lịch là những người đảm nhận công việc nghiên cứu thị trường du lịch, tìm hiểu nhu cầu của khách cũng như những gì doanh nghiệp mình đã làm và cần làm để có hướng phát triển phù hợp, vừa đáp ứng đúng sản phẩm cần thiết, vừa thu lợi nhuận cao, giảm thiểu những rủi ro không mong muốn.
      Bên cạnh đó, họ cũng tiến hành các nghiên cứu thị trường khác theo yêu cầu của nhà quản lý, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng chương trình quảng bá cho từng sản phẩm du lịch với các mức giá cả, chất lượng để khách hàng dễ tiếp cận và chọn lựa.
     Công việc này đòi hỏi sự di chuyển thường xuyên để giao dịch với khách hàng, đối tác nên phù hợp với những bạn trẻ năng động. Cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, marketing đang chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong các doanh nghiệp du lịch vì thị hiếu, tâm lý khách hàng ngày một phức tạp và thị trường trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết. Hơn nữa với công việc này, những bạn học về marketing (mà không phải ngành du lịch) cũng có thể làm được, chỉ cần có sự nhanh nhạy và đam mê khám phá thị trường du lịch.
4. Kế toán lữ hành
     Công việc kế toán lữ hành chủ yếu là lên kế hoạch chi phí, dự chi ngân sách, kiểm duyệt các khoản chi trong tour, lập danh sách khách du lịch, kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến tour, quản lý, theo dõi tour và thu thập các chứng từ liên quan… Từ đó lập các báo cáo về chi phí, hiệu quả tour và quyết toán thuế của doanh nghiệp vào cuối kỳ.
     Công việc này đòi hỏi không chỉ chuyên môn về du lịch mà còn cả kế toán và khả năng làm việc linh hoạt, chính xác với các con số, vì chỉ cần một sai sót nhỏ thôi cũng có thể ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp. Tuy nhiên với những bạn đã có sẵn niềm yêu thích với ngành kế toán, làm việc trong lĩnh vực du lịch rất thú vị và đáng để thử thách bản thân.
5. Hướng dẫn viên du lịch
     Đây chính là công việc hay được các bạn nghĩ đến đầu tiên khi nhắc đến ngành du lịch. Nhiệm vụ chính của một hướng dẫn viên du lịch là đón tiếp khách, tổ chức các hoạt động du lịch theo yêu cầu, giới thiệu (hoặc liên hệ với người giới thiệu) tại các điểm du lịch, quản lý việc ăn, nghỉ, đi lại và đảm bảo sự an toàn cho khách trong suốt chuyến đi, trực tiếp giải quyết các vấn đề phát sinh hoặc báo về trung tâm để được hướng dẫn…
     Hướng dẫn viên du lịch không cần ngoại hình quá xuất sắc, quan trọng nhất vẫn là kiến thức chuyên môn vững vàng, hiểu biết sâu rộng, khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề tốt, sức khỏe dẻo dai và tâm lý ổn định.
Hướng dẫn viên du lịch có thể làm việc cho các công ty du lịch, các doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh lữ hành, các đơn vị quản lý tài nguyên du lịch hay các trung tâm nghiên cứu, ban quản lý di tích, danh thắng, vườn quốc gia hay khu bảo tồn thiên nhiên.
6. Nhân viên lễ tân
     Công việc chính của nhân viên lễ tân là nhận điện thoại, trả lời các thông tin liên quan đến doanh nghiệp mình, tiếp đón khách, nhận thông tin về yêu cầu của khách, kiểm tra xem các dịch vụ có đáp ứng đúng yêu cầu của khách không và giúp khách trong các việc điện thoại, nhận và ký gửi đồ, thanh toán… Những công việc này đều yêu cầu nghiệp vụ và hành vi ứng xử theo các nguyên tắc giao tiếp quốc tế nhất định và phù hợp.
     Nhân viên lễ tân thường yêu cầu ngoại hình ưa nhìn, nhanh nhạy, nghe hiểu đúng thông tin từ khách, giao tiếp chính xác, rõ ràng, khéo léo, và đặc biệt là phải biết ít nhất một ngoại ngữ để đón tiếp khách nước ngoài.
     Sau khi chứng minh được năng lực và có đủ kinh nghiệm, bạn có thể thăng tiến lên chức vụ quản lý lễ tân, chịu toàn bộ trách nhiệm về các vấn đề ở bộ phận lễ tân.
7. Phục vụ bàn, bar, buồng, bếp                       
     Thông thường các bữa ăn, bữa tiệc tại nhà hàng, khách sạn đều do các nhân viên phục vụ bàn, bếp, bar đảm nhận. Một bàn tiệc trong nhà hàng, khách sạn không chỉ phải thể hiện sự sang trọng, chuẩn mực của bài trí, sắp xếp, mà trình tự phục vụ khách cũng phải khéo léo, hấp dẫn, thể hiện cả chiều sâu văn hóa lẫn mục đích của bữa tiệc. Màu sắc, hương vị từng món ăn, nghệ thuật phục vụ, cho đến từng đoá hoa bài trí trên bàn tiệc, từng nếp gấp tinh tế của chiếc khăn ăn như chúng ta thấy đều là kết quả công việc của những nhân viên phục vụ, nhân viên pha chế và các đầu bếp.
     Bên cạnh đó công việc buồng phòng cũng không hề đơn giản. Các buồng, phòng, nhất là những nơi đạt tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi rất nghiêm ngặt về sự sạch sẽ, thoáng mát cùng cách sắp đặt hợp lý, có thẩm mỹ, thậm chí là theo “gu” của từng đối tượng khách. Không chỉ vậy, nhân viên buồng phòng còn phải kịp thời và nhanh chóng phục vụ khách, hướng dẫn khách tận tình.
     Một lưu ý nữa với những bạn trẻ theo học ngành Du lịch là hãy chuẩn bị cho mình  khả năng ngoại ngữ thật tốt và rèn luyện sức khoẻ dẻo dai để có thể theo đuổi và thành công trong ngành công nghiệp không khói đầy tiềm năng này.

Nguồn tin: Hoàng Hào

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây