GIỚI THIỆU VỀ NGÀNH KINH TẾ XÂY DỰNG
TRƯỜNG ĐẠI HỌC GTVT – PHÂN HIỆU TẠI TP.HCM
1. Lịch sử hình thành và phát triển
Kinh tế xây dựng là ngành kết hợp giữa lĩnh vực kinh tế và quản lý xây dựng. Năm 1964, đứng trước nhu cầu đòi hỏi thực tế của đất nước, Trường Đại học Giao thông Vận tải đã mở ngành Kinh tế xây dựng và lớp Kinh tế xây dựng khóa 6 là lớp đầu tiên của ngành.
Đến nay, sau 55 năm đào tạo, với đội ngũ Giảng viên là các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ, ngành Kinh tế xây dựng đã cùng Nhà trường đào tạo cho xã hội hàng chục nghìn Kỹ sư, Thạc sỹ và Tiến sỹ trong lĩnh vực kinh tế và quản lý xây dựng. Nhiều người tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng đã và đang nắm giữ những chức vụ lãnh đạo ở các Bộ, Sở, Ban ngành; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; các đơn vị Chủ đầu tư; các Ban quản lý dự án; các Tổng công ty; các Công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng…
Ngày 23/3/2017, ngành Kinh tế xây dựng đã vinh dự đón nhận Giấy kiểm định chất lượng chương trình đào tạo với tư cách là một trong 05 ngành đầu tiên của Trường Đại học Giao thông Vận tải nói riêng và của cả nước nói chung được Bộ Giáo dục và đào tạo công nhận đạt chuẩn chất lượng.
2. Mục tiêu đào tạo
Mục tiêu đào tạo của ngành là đào tạo các kỹ sư, cán bộ quản lý lĩnh vực xây dựng. Trang bị cho người học những kiến thức về kỹ thuật xây dựng và kiến thức chuyên ngành về kinh tế và quản lý xây dựng.
3. Các hệ đào tạo, chuyên ngành đào tạo và thời gian đào tạo
- Các hệ đào tạo, bao gồm: hệ Đại học (Kỹ sư), hệ liên thông (từ Cao đẳng lên Đại học chính quy) và hệ Sau đại học (Thạc sỹ, Tiến sỹ);
- Chuyên ngành đào tạo:
- Đối với hệ Đại học, có 2 chuyên ngành đào tạo, bao gồm:
+ Chuyên ngành Kinh tế xây dựng;
+ Chuyên ngành Kinh tế quản lý khai thác công trình cầu đường.
Sau khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được cấp bằng Kỹ sư Kinh tế xây dựng.
- Đối với hệ Sau đại học (Cao học) có chuyên ngành Quản lý xây dựng. Sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ được cấp bằng Thạc sỹ Quản lý xây dựng.
- Đối với hệ Sau đại học (Nghiên cứu sinh) có ngành Quản lý xây dựng - chuyên ngành Kinh tế xây dựng. Sau khi tốt nghiệp, nghiên cứu sinh sẽ được cấp bằng Tiến sỹ Kinh tế xây dựng.
- Đối với hệ Đại học: Thời gian đào tạo là 4,5 năm.
- Đối với hệ liên thông từ Cao đẳng lên Đại học (chính quy): Thời gian đào tạo là 2 năm.
- Đối với hệ Sau đại học (Cao học): Thời gian đào tạo là 1,5 năm.
- Đối với hệ Sau đại học (Nghiên cứu sinh): Thời gian đào tạo là 4 năm.
4. Các công việc sinh viên/học viên có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp
4.1. Các công việc ở đơn vị Chủ đầu tư và các đơn vị Tư vấn, bao gồm:
+ Lập và thẩm định các Dự án đầu tư xây dựng;
+ Xây dựng các định mức, đơn giá ngành xây dựng;
+ Đo bóc khối lượng công trình xây dựng mới; công trình sửa chữa; nâng cấp, mở rộng…
+ Lập, thẩm định Tổng mức đầu tư, Dự toán xây dựng công trình xây dựng mới; công trình sửa chữa; nâng cấp, mở rộng…
+ Lập hồ sơ mời thầu. Tham gia vào toàn bộ quá trình tổ chức đấu thầu;
+ Quản lý dự án đầu tư xây dựng; kiểm soát khối lượng, chi phí dự án;
+ Lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư xây dựng…
4.2. Các công việc ở đơn vị nhà thầu thi công xây dựng, bao gồm:
+ Lập hồ sơ dự thầu;
+ Tổ chức quản lý thi công xây dựng: Lập biện pháp tổ chức thi công chi tiết; lập tiến độ thi công; giám sát thi công các công trình xây dựng.
+ Lập hồ sơ hoàn công; hồ sơ thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng;
+ Lập và triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng; đảm nhiệm công tác kế toán trong doanh nghiệp xây dựng; công tác phân tích, thống kê; quản lý nhân sự; quản lý vật tư, máy móc, thiết bị…
5. Nơi công tác sau khi tốt nghiệp
+ Các cơ quan Quản lý Nhà nước: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính; Viện Kinh tế xây dựng; Tổng Cục đường bộ Việt Nam; các Cục quản lý đường bộ; Sở GTVT, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch đầu tư…
+ Các đơn vị Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án;
+ Các Công ty tư vấn đầu tư xây dựng, bao gồm: tư vấn thiết kế; Tư vấn Quản lý dự án; Tư vấn đấu thầu…
+ Các Công ty thi công xây dựng công trình.
+ Các đơn vị Kiểm toán; thẩm tra phê duyệt quyết toán vốn đầu tư xây dựng, bao gồm: Kho bạc Nhà nước, các đơn vị kiểm toán Nhà nước; các Công ty Kiểm toán tư nhân; các Cục, Sở, và phòng tài chính…
6. Nhu cầu của xã hội đối với sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng
Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ phát triển, nhu cầu đầu tư xây dựng công trình cũng như quản lý khai thác công trình ngày càng nhiều ở khắp mọi nơi. Khi nhắc đến các công trình xây dựng, thì ngoài yếu tố về kỹ thuật, chất lượng, tiến độ thì không thể không nhắc đến yếu tố về kinh tế (Chi phí). Và khi nhắc đến yếu tố kinh tế trong lĩnh vực đầu tư xây dựng thì đó chính là Kinh tế xây dựng. Đây là ngành có nhu cầu cao về nhân lực trong xã hội hiện nay. Theo số liệu thống kê, khảo sát qua các năm cho thấy: có trên 90% sinh viên ngành Kinh tế xây dựng có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.
Vì vậy, đối với những thí sinh mong muốn có 1 công việc ổn định với thu nhập cao sau khi tốt nghiệp, đáp ứng với nhu cầu của xã hội, thì ngành Kinh tế xây dựng là ngành rất phù hợp để các thí sinh lựa chọn.