Người ta thường sử dụng thuật ngữ “thế giới thứ ba” để chỉ các nước nghèo hoặc đang phát triển. Ngược lại, các nước giàu có như Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Âu được mô tả như là một phần của “thế giới thứ nhất.” Sự phân biệt này đến từ đâu, và tại sao chúng ta hiếm khi nghe về “thế giới thứ hai?”
Mô hình địa chính trị “ba thế giới” lần đầu tiên xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ 20 như là một cách để phân loại các quốc gia khác nhau trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Nguồn gốc của khái niệm này rất phức tạp, nhưng các sử gia thường công nhận rằng khái niệm này đến từ nhà nhân khẩu học người Pháp Alfred Sauvy, người đã đặt ra thuật ngữ “thế giới thứ ba” trong một bài viết năm 1952 mang tên “Ba Thế giới, Một Hành tinh.”
Trong bối cảnh lúc đó, thế giới thứ nhất bao gồm Hoa Kỳ và các đồng minh tư bản chủ nghĩa tại các khu vực như Tây Âu, Nhật Bản và Australia. Thế giới thứ hai gồm Liên Xô cộng sản chủ nghĩa và các quốc gia phụ thuộc của nó ở Đông Âu. Trong khi đó, thế giới thứ ba bao gồm tất cả các quốc gia khác không tích cực liên kết với một trong hai phía trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Đây thường là những nước thuộc địa cũ nghèo của châu Âu, bao gồm gần như tất cả các quốc gia châu Phi, Trung Đông, Châu Mỹ Latinh và châu Á.
Ngày nay, các nền kinh tế lớn của phương Tây đôi khi vẫn được mô tả như là “thế giới thứ nhất”, nhưng thuật ngữ “thế giới thứ hai” hầu như đã trở nên lỗi thời sau sự sụp đổ của Liên Xô. “Thế giới thứ ba” vẫn là thuật ngữ được sử dụng phổ biến nhất trong ba tên gọi ban đầu, nhưng ý nghĩa của nó đã thay đổi từ “không liên kết” thành một thuật ngữ khái quát cho các nước đang phát triển. Vì là một phần di tích của Chiến tranh Lạnh, nhiều học giả hiện đại coi tên gọi “thế giới thứ ba” là một thứ lỗi thời. Hiện nay những thuật ngữ như “các nước đang phát triển” (developing countries) và “các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp” (low and lower-middle-income countries) thường được sử dụng thay thế cho thuật ngữ này.