TÍNH GIÁ XUẤT KHO THEO PHƯƠNG PHÁP BÌNH QUÂN CUỐI KỲ
(TRONG KỲ CÓ NHẬP KHO HÀNG BÁN BỊ TRẢ LẠI)
THEO THÔNG TƯ 200/2014/TT-BTC NGÀY 22/12/2014 CỦA BỘ TÀI CHÍNH
Bài viết xin chia sẻ một số ví dụ cụ thể để giúp người đọc hiểu rõ hơn về phương pháp tính giá xuất kho bình quân cuối kỳ, trong trường hợp có phát sinh nhập kho hàng bán bị trả lại, (trường hợp hàng này có thể được bán lại ngay do không cần sửa chữa hay trả cho nhà cung cấp):
Ví dụ 1: Hàng đã bán kỳ trước, đến kỳ này bị trả lại
Doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, kinh doanh mặt hàng A. Tình hình hàng hóa A đầu kỳ và nhập trong kỳ như sau:
Ngày 1/1, tồn kho đầu kỳ: số lượng 100 kg, đơn giá 81.000 đ/kg
Ngày 5/1, hàng đã xuất kho bán kỳ trước nay bị trả lại, đã nhập kho, số lượng 10, đơn giá 81.000 đ/kg (đây là đơn giá xuất kho lúc xuất bán kỳ trước)
Ngày 20/1, mua nhập kho số lượng 200 kg, đơn giá 83.000 đ/kg
Ngày 25/1, xuất kho bán số lượng 150 kg
Ngày 28/1, mua nhập kho, số lượng 100 kg, đơn giá 82.000 đ/kg
Yêu cầu: Hãy xác định giá trị xuất kho nếu doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính giá xuất kho là bình quân cuối kỳ.
Giải:
Đơn giá bình quân cuối kỳ |
= |
100 x 81.000 + 10 x 81.000 + 200 x 83.000 + 100 x 82.000 |
100 + 10 + 200 + 100 |
= 82.219,5122 đ/kg
Gía trị xuất ngày 25/1: 150 x 82.219,5122 = 12.332,9268 đ
Như vậy, hàng đã bán kỳ trước, kỳ này bị trả lại nhập kho (không cần sửa chữa lại hay trả cho nhà cung cấp), có tính chất như nghiệp vụ nhập kho hàng mua bình thường. Do đó, vẫn xét hàng bán bị trả lại là một lần nhập kho khi tính giá xuất theo phương pháp bình quân cuối kỳ.
Ví dụ 2: Hàng xuất bán trong kỳ này, sau đó bị trả lại cũng trong kỳ này
Doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, kinh doanh mặt hàng A. Tình hình hàng hóa A đầu kỳ và nhập trong kỳ như sau:
Ngày 1/1, tồn kho đầu kỳ: số lượng 80 kg, đơn giá 81.000 đ/kg
Ngày 10/1, mua nhập kho số lượng 50 kg, đơn giá 83.000 đ/kg
Ngày 15/1, xuất kho bán số lượng 100 kg
Ngày 17/1, hàng đã xuất kho bán ngày 15/1 nay bị trả lại, đã nhập kho, số lượng 10 kg
Ngày 20/1, mua nhập kho, số lượng 100 kg, đơn giá 82.000 đ/kg
Ngày 24/1, xuất kho hàng bán số lượng 50 kg
Yêu cầu: Hãy xác định giá trị xuất kho nếu doanh nghiệp áp dụng phương pháp tính giá xuất kho là bình quân cuối kỳ.
Giải:
Hàng xuất bán với đơn giá bao nhiêu, thì khi bị trả lại sẽ nhập kho theo đơn giá bấy nhiêu. Ngày 17/1 nhập kho hàng bị trả lại (đã bán ngày 15/1). Ngày 15/1 đơn giá xuất bán là đơn giá bình quân cuối kỳ. Do đó, ngày 17/1 hàng bị trả lại nhập kho theo đơn giá bình quân cuối kỳ của tháng 1. Đơn giá bình quân cuối kỳ này phải 31/1 mới xác định được. Vì vậy, 17/1 hàng bị trả lại chỉ theo dõi số lượng là 10 kg, còn đơn giá cuối tháng mới cập nhật được.
Gọi đơn giá bình quân cuối kỳ là M đ/ kg, ta có:
M |
= |
80 x 81.000 + 50 x 83.000 + 10 x M + 100 x 82.000 |
80 + 50 + 10 + 100 |
M = 81.869,5652 đ/kg
Giá trị xuất ngày 15/1: 100 x 81.869,5652 = 8.186.956,52 đ
Giá trị xuất ngày 24/1: 50 x 81.869,5652 = 4.093.478,26 đ
Nếu trong trường hợp này, không tính đến hàng bán bị trả lại khi tính đơn giá bình quân cuối kỳ, thì ta có:
Đơn giá bình quân cuối kỳ |
= |
80 x 81.000 + 50 x 83.000 + 100 x 82.000 |
80 + 50 + 100 |
= 81.869,5652 đ/kg
Như vậy, trong trường hợp hàng bán bị trả lại là hàng đã xuất bán cũng trong kỳ này, nếu xét hay không xét đến hàng bán bị trả lại khi xác định đơn giá bình quân cuối kỳ, thì kết quả có được là bằng nhau. Điều này là do đơn giá nhập kho của hàng bán bị trả lại đúng bằng đơn giá bình quân cuối kỳ của kỳ này.
Do đó, để đơn giản trong tính toán, mà vẫn đảm bảo chính xác, có thể bỏ qua hàng bán bị trả lại (nếu hàng đã bán trong kỳ này và sau đó bị trả lại cũng trong kỳ này) khi xác định đơn giá bình quân cuối kỳ.