VAI TRÒ CỦA NGÀNH GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Thứ ba - 30/11/2021 08:21
 Ngày nay, sự phát triển của du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như các ngành kinh tế - xã hội khác như: ngành kinh doanh lưu trú, ăn uống, thương mại, tài chính, xây dựng... trong đó, giao thông vận tải có vị trí quan trọng.
      Trong sự phát triển của ngành Du lịch, không thể không nhắc tới vai trò quan trọng của ngành Giao thông Vận tải, bởi hoạt động du lịch luôn gắn liền với chuyến đi của con người từ nơi ở cố định thường xuyên đến các điểm du lịch. Hoạt động du lịch gắn liền với hoạt động vận tải và vận chuyển khách du lịch là một bộ phận không thể tách rời của ngành Du lịch.
      Việc không ngừng hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải là điều kiện quan trọng để du lịch đại chúng hiện đại có thể phát triển. Do đó, giao thông vận tải có vai trò hết sức quan trọng tới sự phát triển của ngành Du lịch, thể hiện trên một số khía cạnh:
Giao thông vận tải là điều kiện tiền đề cho sự ra đời và phát triển của ngành Du lịch
       Hoat động du lịch được ra đời ngay từ thời kỳ cổ đại với những chuyến đi hành hương tôn giáo của các tín đồ về các vùng đất thánh như Ai Cập, Hy Lạp, La Mã cổ đại, Ấn Độ… Hoạt động vận chuyển cùng với phát minh ra bánh xe của người Sumeri vào khoảng năm 3500 TCN là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, đánh dấu sự hình thành của ngành vận chuyển nói riêng và du lịch nói chung.
       Tiếp đó, sự xuất hiện ngành công nghiệp đóng tàu đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các chuyến đi lại buôn bán hoặc thám hiểm bằng đường biển.
       Vào thế kỷ 15, ở Hungary người ta đã sáng chế ra chiếc xe chở khách đầu tiên dùng để chở khách theo tuyến cố định. Tới thế kỷ 17, những tuyến xe như vậy đã trở nên phổ biến ở nhiều nơi. Theo dọc các tuyến đó là các nhà ăn, nhà nghỉ phục vụ lữ hành.
       Từ những năm 40 của thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhờ thành tựu của cách mạng công nghiệp, quá trình đô thị hóa, sự phát triển của kinh tế và sự gia tăng thời gian nghỉ được hưởng lương…, du lịch bắt đầu phát triển nhanh và trở nên phổ biến đối với cả những người dân thường. Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới những thành tựu khoa học và công nghệ, đặc biệt là máy hơi nước của James Watt (1784), đường sắt vào thế kỷ 17, phát minh ra ô tô của Benz (1885), điện tín (1876), điện thoại (1884), radio (1895)… Trong đó, đặc biệt là sự xuất hiện của máy hơi nước đã dẫn tới sự thay đổi lớn trong lĩnh vực giao thông vận tải. Sự xuất hiện của các loại phương tiện vận chuyển khối lượng lớn, tốc độ cao và giá rẻ như tàu hỏa, tàu thủy đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành Du lịch.
      Đến đầu thế kỷ 20, đặc biệt là sau Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945) sự ra đời của máy bay dân dụng có khả năng di chuyển tốc độ cao, khối lượng vận chuyển lớn có thể vượt qua mọi điều kiện địa hình, giá cả vừa phải, đã mở ra kỷ nguyên mới cho du lịch quốc tế quy mô lớn và kéo dài cho đến ngày nay.
Giao thông vận tải là điều kiện tất yếu để du khách hoàn thành hoạt động du lịch của mình
       Vấn đề đầu tiên khi du khách đi du lịch cần giải quyết là sự dịch chuyển không gian từ nơi định cư tới điểm du lịch; chuyển dịch giữa các điểm phong cảnh, khu phong cảnh, khách sạn, nhà hàng, nơi vui chơi giải trí ở điểm du lịch. Do vậy, vai trò của giao thông vận tải trong phát triển du lịch là thực sự cần thiết.
Vận tải du lịch là nguồn thu quan trọng của du lịch
       Ngành Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sản phẩm du lịch bao gồm nhiều dịch vụ khác nhau. Chi phí cấu thành chi phí của sản phẩm du lịch về cơ bản bao gồm: chi phí vận chuyển, chi phí lưu trú, chi phí ăn uống, chi phí tham quan, chi phí hướng dẫn viên, chi phí bảo hiểm, chi phí bổ sung, phát sinh trong chuyến đi du lịch.
       Chi phí cho vận tải của du khách chiếm tỷ lệ tương đối lớn trong tổng chi phí du lịch, tùy thuộc vào phương thức vận chuyển, nội dung chương trình du lịch, thời điểm thực hiện chương trình du lịch… Tuy vậy, vận tải du lịch vẫn là nguồn thu quan trọng của du lịch.
Vận tải du lịch cũng là một hình thức quan trọng của hoạt động du lịch
      Vận tải du lịch có tính du ngoạn rất rõ, tuyến du lịch đặc biệt là tuyến đường bộ, tuyến đường thủy thường nối liền một số điểm phong cảnh du lịch, khiến du khách có thể tham gia nhiều hạng mục hoạt động du lịch trong chuyến hành trình.
       Ngoài ra, các phương tiện vận tải đặc sắc (cáp treo, khinh khí cầu…) hay phương tiện vận chuyển mang màu sắc dân tộc (cưỡi voi, cưỡi trâu, cưỡi ngựa…) cũng thu hút khách du lịch. Các hình thức này bản thân nó đã không chỉ để giải quyết vấn đề chuyển dịch không gian mà đã trở thành một nội dung du lịch đặc sắc.
       Như vậy, có thể thấy du lịch và giao thông Vận tải có sự liên kết và cùng nhau thúc đẩy phát triển.
                                                        Tác giả: ThS. Trần Văn Giang- GV bộ môn Kinh tế vận tải và du lịch
Nguồn: Tạp chí du lịch- http://vtr.org.vn/vai-tro-cua-nganh-giao-thong-van-tai-doi-voi-phat-trien-du-lich.html?fbclid=IwAR3VDrMbnOAIppn431ekHGLnfdn2MA-YrUwqunLBCkHojE8WhLLrv3Vw4Co

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây