Nhằm giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, biến đối khí hậu cũng như mở rộng mạng lưới giao thông công cộng, các thành phố ở châu Á đang chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường (phương tiện xanh), điển hình là xe bus điện.
Sự tăng trưởng này đến từ việc các thành phố trên khắp châu Á đều đã mua hoặc có kế hoạch chuyển sang sử dụng xe bus điện trong tương lai gần, nhất là tại Trung Quốc.Hiện chính quyền Bắc Kinh đang thực hiện chính sách trợ cấp cho việc sử dụng xe bus điện, nhiều thành phố lớn tại quốc gia đông dân nhất thế giới cũng đã chuyển sang sử dụng loại phương tiện này. Đơn cử như thành phố Thâm Quyến ở phía Đông Nam Trung Quốc đã sử dụng hơn 16.000 xe buýt chạy bằng điện kể từ năm 2019, trở thành thành phố đầu tiên trên thế giới có 100% xe bus điện.
Vào tháng 3/2020, Chính phủ Thái Lan đã đề ra lộ trình đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện và xe máy điện của ASEAN trong vòng 5 năm tới bằng chính sách thúc đẩy nhu cầu. Mục tiêu đến năm 2025, Thái Lan sản xuất 250.000 xe điện mỗi năm, trong đó có 3.000 xe buýt chạy bằng điện và 53.000 xe máy điện; đến năm 2030 sẽ sản xuất ít nhất 750.000 xe điện mỗi năm, chiếm 30% tổng công suất sản xuất ô tô.
Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông nước này cũng đã ra lời kêu gọi các nhà sản xuất ô tô chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện vào năm 2030. Còn các thành phố tại Philippines như Manila, Tacloban đang trong quá trình chuyển đổi các phương tiện giao thông sang xe jeepney chạy bằng năng lượng mặt trời, bằng điện. Từ năm 2019, Thủ đô Jakarta của Indonesia cũng đã thử nghiệm đưa vào sử dụng xe bus điện nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phương tiện công cộng gây ra.
Việt Nam cũng đang chuyển hướng sang sử dụng các phương tiện chạy bằng điện. Mới đây, Tập đoàn Vingroup cũng đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Đề án phát triển hệ thống vận tải công cộng bằng xe bus điện tại Hà Nội và Tp.HCM. Trong thời gian chờ xây dựng đơn giá định mức cho loại hình xe bus điện, đơn giá sẽ tạm tính theo định mức các loại xe bus điện hiện có; thời gian áp dụng đơn giá tạm thời sẽ là 1 năm kể từ khi đi vào vận hành. Theo Đề án này, dự kiến sẽ có 10 tuyến xe bus điện triển khai tại Hà Nội và 5 tuyến tại Tp.HCM. Để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động cho các tuyến xe bus điện,Vingroup sẽ đầu tư xây dựng 3 khu depot hậu cần kỹ thuật tại Khu đô thị Vinhomes Grand Park, Ocean Park và Smart City. Các điểm depot sẽ được lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời nhằm góp phần hình thành các tuyến xe bus xanh.
Trong bối cảnh đó, những đổi mới sáng tạo trong công nghệ từ khu vực châu Á sẽ tạo nền tảng vững chắc để các thành phố lớn khác trên thế giới đưa xe bus điện vào sử dụng. Mặc dù cuộc cách mạng năng lượng xanh đã diễn ra trong một thời gian dài song với sự xuất hiện của xe bus điện, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng lĩnh vực này sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Nguồn: https://bizc.vn/xe-bus-dien-va-xu-huong-xanh-hoa-phuong-tien-giao-thong-tai-cac-thanh-pho-cua-chau-a/