Đại dịch Covid-19 đã đánh dấu một sự thay đổi đáng kể đối với toàn thế giới, và trên hết là đối với du lịch, một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Năm 2020 là hai mà du lịch quốc tế gần như đi vào bế tắc, và các lựa chọn thay thế duy nhất là du lịch nội địa và địa phương. Năm 2021 đã chứng kiến một số cải thiện, nhưng chỉ ở một khía cạnh rất nhỏ khi các hạn chế vẫn còn được áp dụng và nhiều quốc gia giữ biên giới của họ đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần. Năm 2022 đang mang tới nhiều kỳ vọng đối với những người ưa dịch chuyển khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sẵn sàng mở cửa đón du khách trở lại.
Tuy nhiên, sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, du lịch trong năm nay dự báo sẽ đi theo những xu hướng mới.
- Du lịch chăm sóc sức khỏe. Thời gian hậu COVID-19 được các chuyên gia đánh giá là giai đoạn bùng nổ của các loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việt Nam có lợi thế phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe là rất lớn với bờ biển dài 3.260 km, 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều bãi tắm đẹp và nguồn tài nguyên nước khoáng phong phú và đa dạng. Hiện Việt Nam có khoảng 400 nguồn nước khoáng nóng trên cả nước vừa có tác dụng chữa bệnh, vừa có thể khai thác thành nước uống đóng chai phục vụ cho đời sống con người. Bên cạnh đó, Việt Nam còn có hệ thống cây dược liệu đa dạng, quý hiếm với khoảng 3.850 loài thực vật, 406 loài động vật được sử dụng làm thuốc. Nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc cùng cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với thiền, yoga nói riêng.

- Du lịch xanh. là loại hình du lịch thân thiện với môi trường, trải nghiệm thiên nhiên. Các hoạt động du lịch không gây ảnh hưởng đến môi trường mà thông qua hoạt động du lịch này để "tái tạo" môi trường tốt hơn. Các hoạt động du lịch cắm trại trong rừng nguyên sinh có sử dụng lực lượng lao động địa phương sẽ giúp tái tạo viêc làm cho người dân địa phương vào làm giảm áp lực phá rừng...
- Một xu hướng mới là “Ed-Ventures" (Loại hình du lịch mạo hiểm kết hợp đào tạo kỹ năng). Đó là việc kết hợp giáo dục và các kỳ nghỉ cho các thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình.. Các hoạt động du lịch năng động ngoài trời như đạp xe, leo núi, chèo kayak, chạy bộ hay khám phá hang động kết hợp với việc đào tạo các kỹ năng cần thiết để tham gia du lịch mạo hiểm một cách an toàn …
Tuy nhiên, việc đảm bảo phục hồi và tăng trưởng du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid 19 đòi hỏi cần thực hiện có hiệu quả các đề xuất sau:
- Định vị, định hình du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới:
Với những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên lịch sử văn hoá thì Việt Nam cần định vị lại vị thế và thế mạnh du lịch của Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: Văn hoá, lịch sử; du lịch thiên nhiên, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch thể thao và các lĩnh vực khác phù hợp với thị hiếu và đặc điểm của các thị trường khách du lịch mục tiêu cũng như xác định cụ thể phạm vi và quy mô, thực hiện chiến lược phát triển phù hợp với các thị trường tiềm năng.
- Cơ chế quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới:
Việt Nam cần có chiến lược quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam ra thế giới theo kịp với các xu thế công nghệ hiện nay. Đầu tư một khoản tiền tương xứng để ngành du lịch chi tiêu trong việc quảng bá nhận thức điểm đến tại các thị trường mục tiêu nhằm tạo ra nhu cầu du lịch để giúp các doanh nghiệp du lịch bán được sản phẩm của họ đến khách hàng.
- Những hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch:
Hiện nay, những chính sách giảm thuế hoặc hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp du lịch của Chính phủ đang rất tốt và kịp thời. cũng như đầu tư ngân sách lớn hơn trong việc quảng bá tạo nhận thức điểm đến tới khách du lịch tại các thị trường chiến lược, thị trường tiềm năng nhằm giúp cho các doanh nghiệp du lịch dễ dàng tiếp cận và mời gọi khách đến Việt Nam.
- Huy động các nguồn lực để phát triển du lịch:
Chính phủ, các bộ ngành có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển du lịch để huy động tổng hợp các nguồn lực cả đầu tư công, đầu tư tư nhân để phát triển du lịch; quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống giao thông kết nối giữa các trung tâm du lịch lớn trong cả nước; ưu tiên phát triển du lịch tại các địa phương phù hợp với lợi thế của từng tỉnh, thành phố trong chiến lược phát triển chung của điểm đến du lịch Việt Nam.
Với sự chung tay từ Chính phủ, các doanh nghiệp du lịch lữ hành cùng khách du lịch và cư dân địa phương, ngành du lịch Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa, hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ ngày càng vươn tầm quốc tế!
Nguồn tham khảo
https://travelmag.vn/