PHÁT TRIỂN XE ĐẠP CÔNG CỘNG TẠI TP. HCM

Thứ ba - 05/01/2021 04:49
     Thành phố Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về ùn tắc giao thông. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là sự hạn chế của hệ thống VTHKCC. Mặc dù hiện nay xe buýt là hình thức vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) chủ đạo tại TPHCM, tuy vậy chất lượng dịch vụ VTHKCC bằng xe buýt vẫn còn rất thấp so với các quốc gia phát triển trên thế giới, tỉ lệ đảm nhận phương thức của loại hình VTHKCC này còn ở mức thấp.
     Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 148/TTg-KTN ngày 27/1/2014 về việc thực hiện các giải pháp phát triển hợp lý các phương thức vận tải tại các thành phố lớn. Do đó để đáp ứng nhu cầu của người dân khi sử dụng giao thông công cộng cùng với mục đích tối ưu hiệu quả khai thác phương tiện VTHKCC cần phải tích hợp các phương thức với nhau, giải quyết tốt chặng đầu cuối trong tiếp cận phương tiện của chuyến đi hằng ngày. Điều đó tạo ra vai trò của xe đạp công cộng trong việc phát triển chung hệ thống VTHKCC ở TPHCM. Khi có xe đạp công cộng, bất kỳ vị trí nào hành khách đều có thể dự kiến được hành trình đi lại thuận tiện nhất cho chính mình mà không phải sử dụng phương tiện cá nhân, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và ùn tắc, cũng như tiết kiệm kinh tế cao cho gia đình, xã hội. 
1. Giới thiệu xe đạp công cộng (XĐCC):
     Xe đạp công cộng (sau đây được viết tắt là XĐCC) là dịch vụ cho thuê xe đạp tại các điểm công cộng như nhà ga, trường học, bênh viện, trạm xe buýt, trung tâm thương mại,…, là một hình thức cho thuê xe thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc qua một loại thẻ khai thác tại các trạm (kiosk); là phương tiện kết nối đầu cuối hệ thống công cộng, và phù hợp với những khoảng cách di chuyển ngắn.
Chia sẻ xe đạp là một mô hình đã được thực hiện đầu tiên từ những năm 1960 ở Hà Lan, hiện trên thế giới có khoảng 600 hãng như vậy đang hoạt động.
     Dựa vào cách thức cho thuê xe đạp có thể chia thành 2 hình thức triển khai mô hình:
     - Hình thức trạm, trụ và thẻ: Đây là hình thức sơ khai của XĐCC, băt nguồn từ Hà Lan, sau đó lan rộng ra các quốc gia ở Châu Âu và trên thế giới, người dùng đăng ký và khai thác dịch vụ tại trạm xe (kiosk) thông qua một loại thẻ tích hợp (thẻ này có thể sử dụng cho các hình thức VTHKCC khác); Hệ thống có trung tâm dữ liệu (trụ), vị trí để xe, khóa chống trộm điện tử,…; Người dùng nạp tiền vào thẻ để sử dụng, kết thúc chuyến đi phải đưa xe vào trụ và khóa xe. Ưu điểm dễ sử dụng, dễ quản lý, tuy nhiên chi phí đầu tư xây dựng ban đầu lớn, tốn diện tích xây dựng, số lượng xe tại trạm ít
     - Hình thức Smartphone, ổ khóa thông minh và thanh toán điện tử: Hệ thống ra đời nhờ sự phát triển của Internet, điện thoại thông minh và thương mại điện tử, bùng nổ từ 2014 với 2 Startup nổi tiếng là Ofo và Mobike tại Trung Quốc; Người dùng tìm và thuê xe đạp thông qua ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, quét mãi QR code trên ổ khóa (gắn trên xe đạp) và sử dụng khi hệ thống quản lý cho phép mở khóa. Người dùng đăng ký tài khoản, tìm xe và thanh toán cước trực tiếp trên ứng dụng (thanh toán qua ví ảo trên ứng dụng, có liên kết ngân hàng hoặc ví điện tử). Pin được duy trì bằng năng lượng mặt trời thông qua tấm pin được bố trí trong rổ xe. Trạm xe được bố trí tại những khu vực được phép, chỉ có vạch, không có trụ, sử dụng xe xong trả xe về các điểm được cho phép và khóa xe. Người dùng tương tác với hệ thống thông qua ứng dụng, có thể báo xe hỏng, sự cố, phát hiện vi phạm, … Hệ thống đơn giản, dễ tìm, dễ sử dụng, tuy nhiên tiềm ẩn nguy cơ hình thành “Bãi rác xe đạp” nếu không có hệ thống quản lý tốt.
     Lợi ích XĐCC:
  • XĐCC giúp giảm ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường xanh, giảm thiểu lượng khí thải ra môi trường, cải thiện chất lượng không khí, không phát tiếng ồn, là phương tiện thay thế hiệu quả trong các chuyến đi có cự ly ngắn
  • XĐCC làm tăng khả năng tiếp cận, là phương tiện kết nối, tích hơp các phương thức VTHKCC khác như xe buýt , ĐSĐT.
  • Sử dụng XĐCC hạn chế việc chiếm dụng diện tích.
  • XĐCC góp phần nâng cao an toàn sức khỏe cho người dân.
  • Sử dụng XĐCC mang về lợi ích về kinh tế cho người dân, tiết kiệm hơn so với sử dụng các phương tiện cơ giới khác.
2. Kinh nghiệm phát triển XĐCC một số đô thị trên thế giới:
     Tính đến năm 2016, trên thế giới có khoảng 1.000 thành phố thực hiện mô hình XĐCC. Một số thành phố điển hình như:
     - Thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) Hàng Châu khai trương hệ thống chia sẻ xe đạp máy tính đầu tiên của Trung Quốc vào năm 2008. Hiện nay Hàng Châu có khoảng 66.500 đến 78.000 xe đạp, nằm rải rác trên khoảng 2.700 trạm. Dự kiến đến năm 2020, hệ thống của Hàng Châu có thể lên đến 175.000 xe đạp
     - Thành phố Paris (Pháp) với số lượng xe đạp khoảng 20.000 chiếc và hơn 1.200 trạm trong đội xe.
     - Luân Đôn (Anh) cũng khởi nguồn hệ thống chia sẻ xe đạp từ năm 2010  và phát triển với sự hợp tác của chính quyền thành phố với Serco. Con số ban đầu chỉ 5.000 xe đạp nhưng hiện nay có khoảng 11.000 xe đạp với hơn 750 trạm hoạt động.
     - New York (Mỹ) là thành phố tiên phong của Hoa Kỳ trong việc ứng dụng mô hình xe đạp chia sẻ ở quy mô lớn với khoảng 6.000 xe đạp và 330 trạm.
     Bên cạnh những thành công thì cũng có những bài học thất bại bởi nhiều yếu tố khác nhau như: nguồn kinh phí, chính sách, văn hóa, thời tiết khí hậu, cơ sở hạ tầng,  sự đón nhận của người dân,... Ví dụ mô hình XĐCC ở Bangkok (Thái Lan), Bandung (Indonesia) chỉ được đón nhận vào thời gian đầu, sau đó do nhiều nguyên nhân như: quy mô ứng dụng nhỏ, điều kiện tời tiết khí hậu, đường sá, đã không mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư chấm dứt hoạt động.

3. Thực trạng hoạt động mô hình xe đạp công cộng tại TPHCM

Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết lãnh đạo UBND TP đã đồng ý chủ trương thí điểm mô hình xe đạp công cộng Mobike tại một số khu vực ở trung tâm TP.

     Với 43 vị trí đặt xe đạp trên các tuyến đường như Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Võ Văn Kiệt, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, Lê Thánh Tôn..., mỗi trạm có 10 - 20 xe đạp, mỗi xe đều được gắn khóa thông minh, có tính năng định vị GPS.
     Người sử dụng xe đạp tải ứng dụng Mobike trên điện thoại rồi quét tìm xung quanh để biết điểm trạm còn xe gần nhất và dùng ứng dụng quét mã code mở khóa xe. 
     Để bắt đầu sử dụng dịch vụ, người dùng nạp tiền trước qua tài khoản ngân hàng, thẻ tín dụng hoặc nộp trực tiếp. Trước mắt, nhà đầu tư đề xuất các loại vé theo thời gian 5.000 đồng/30 phút, 10.000 đồng/60 phút. Thời gian đầu từ 1-3 tháng, nhà đầu tư sẽ miễn phí trong 15 phút sử dụng đầu tiên.
     Thời gian tới, nhà đầu tư sẽ mở rộng các khung thời gian sử dụng: 15 phút, 30 phút, 60 phút và đa dạng các loại vé theo ngày/tháng/quý/năm.
    (Nguồn:https://tuoitre.vn/thi-diem-xe-dap-cong-cong-mobike-o-trung-tam-tp-hcm-gia-10-000-dong-gio-20201218131732641.htm)
     Việc triển khai XĐCC ở TPHCM trong giai đoạn tới hết sức cần thiết, cấp bách, hợp lý và văn minh. Tuy nhiên để làm được điều này cần có kế hoạch về chi phí, quản lý, khai thác vận hành và quy hoạch diện tích rõ ràng, cụ thể. Cần xây dựng quy trình thực hiện và đặc biệt nâng cao ý thức của người dân trong việc đón nhận sản phẩm, công nhận tính ưu việt của XĐCC và bảo quản trong quá trình đưa vào sử dụng. Phát triển mô hình XĐCC cần thực hiện các giải pháp sau:
     - Xác định rõ đối tượng sử dụng tại các khu vực thí điểm để có các chính sách hợp lý: Học sinh, sinh viên, cán bộ công nhân viện người lao động hoặc là khách du lịch,…
     - Thành lập bộ phận chuyên môn nghiên cứu, phụ trách xây dựng phương án và triển khai thực hiện mô hình XĐCC
     - Sử dụng hình thức trạm khai thác thông qua ổ khóa thông minh gắn trên xe, kết nối truyền dữ liệu có thể bằng GPRS hoặc GMS.
     - Hệ thống thanh toán vé: Có thể sử dụng thẻ tích hợp hoặc app trên điện thoại Smart Phone để mượn – trả xe và thanh toán, tuy nhiên lựa chọn phương án trên App Smart phone là tiện lợi nhất vì ngày nay ai cũng sử dụng điện thoại thông minh, luôn đi kèm với mỗi cá nhân. Việc dùng thẻ sẽ dễ bị mất, rơi thẻ, và không thuận tiện bằng sử dụng Smart phone.
     - Thiết kế ứng dụng mượn trả XĐCC và trong đó có cập nhật đầy đủ các trạm để xe, khoảng cách các trạm, số lượng xe hiện có ở trạm, sự kết nối – liên kết từ trạm tới các phương thức VTHKCC khác nếu có…Và việc thanh toán mượn xe sẽ được trừ thẳng vào ví điện tử trên app cho mỗi lần sử dụng
     - Chính sách thu hút/quảng bá: Cho sử dụng thử miễn phí trong giai đoạn đầu; Giai đoạn sau thực hiện chính sách trợ giá mức có thể; Thu hút chương trình quảng cáo, baner đầu tư tại các trạm. Tuyên truyền hưởng ứng chương trình XĐCC và nâng cao ý thức bảo quản tài sản khi sử dụng dịch vụ.
     - Về mặt hạ tầng và an toàn giao thông: Cần triển khai làn đường dành riêng cho xe đạp hoặc tối thiểu là ưu tiên cho xe đạp.
     - Về hệ thống trạm: Trung bình 300-400m sẽ bố trí 1 trạm xe, tuy nhiên trạm xe phải là điểm tập trung đông số lượng hành khách hoặc là điểm kết nối với các phương thức VTHKCC khác. Điển hình trạm xe đặt ở một số nút thu hút như các khu công nghiệp, khu phố đi bộ, các nhà ga ĐSĐT, điểm trung chuyển, các cụm trường đại học chính trên địa bàn thành phố,… Các trạm xe cần có mái che để đảm bảo tính tiện nghi cho hành khách thuê xe cũng như bảo quản phương tiện và phù hợp với điều kiện thời tiết ở TPHCM. Lắp đặt camera tại các trạm để nâng cao hiệu quả quản lý tài sản phương tiện.
     - Về quy trình thuê xe cơ bản: Hành khách  tải và đăng ký tài khoản về điện thoại (smart phone) của mình App ứng dụng dịch vụ được phổ biến . Cần nạp tiền vào ví điện tử trong App để thanh toán thuê xe. Hành khách có nhu cầu thuê xe sẽ tiến hành quét mã QR trong App với ổ khóa khóa thông minh gắn trên xe tại các trạm để mượn xe từ trạm. Chuyến đi tính từ lúc lấy xe đến lúc trả xe tại trạm. Việc thanh toán sẽ được trừ thẳng vào ví điện tử trong App. Trên xe có hệ thống truyền dữ liệu và định vị để quản lý và theo dõi hoạt động của phương tiện.
                                                                                                      Tác giả: Giảng viên Huỳnh Thị Thúy Kiều

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây